Ở những nơi đất ẩm thuộc Bắc bộ và Trung Bộ, cứ vào mùa hè, loài “hoa vàng cỏ xanh” này lại xuất hiện rực rỡ ở khắp mọi nơi. Loài cây dại này có tên là “điền cơ hoàng”. Nó còn có nhiều tên gọi khác như địa nhĩ thảo, thất thốn kim, nhất điếu hương, hồng hài nhi, điền biên cúc, thốn kim thảo…
Do mọc quá phổ biến nên không mấy ai để ý hay biết đến giá trị thật sự của nó. Điền cơ hoàng thực chất là một thảo dược quý trong Đông y.
Cây có vị ngọt, tính bình, sở hữu nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, giảm đau… Bên cạnh đó, cây còn có công dụng hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh về gan, ruột, bệnh khi bị rắn độc cắn… Thậm chí ở Trung Quốc, người dân nước này từ lâu cũng đã xem điền cơ hoàng là một liều thuốc dân gian hữu hiệu trong giải độc và trị vết thương do rắn cắn.
Trong cuốn sách xưa “Phân loại dược tính trong thảo dược” của Trung Quốc có viết, điền cơ hoàng có thể giải nhiều loại nọc độc của rắn, giúp thanh nhiệt, cầm máu, có công dụng điều trị vết thương khi bị dao cứa.
Hay như trong cuốn “Các phương pháp dùng thảo dược dân gian của tỉnh Giang Tây” (Trung Quốc) cũng có ghi chép các công dụng khác của điền cơ hoàng: “Sử dụng một lượng điền cơ hoàng tươi phù hợp, thêm muối và khuấy nhuyễn đắp lên vết thương có thể trị mụn nhọt và các vết sưng do trúng độc”.
Ngày nay, ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, điền cơ hoàng cũng vẫn duy trì vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực y dược. Tại nước bạn, điền cơ hoàng có giá bán khoảng 40 NDT/kg, tương đương 130.000đ. Còn ở Việt Nam, bạn có thể tìm mua điền cơ hoàng tại một số cơ sở cung cấp nguyên liệu làm thuốc Đông y, hoặc đơn giản nhất là có thể… tìm kiếm xem chúng có mọc ở xung quanh nơi bạn sống hay không.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)