Hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế gần như đang "đóng băng"

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 13/06/2022 09:18

Về xã hội hóa liên doanh liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị trong khám chữa bệnh, đại biểu đoàn Bắc Kạn chỉ ra những bất cập trong chủ trương này.

Dễ bị lợi dụng để trở thành cấu kết nhóm lợi ích

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6 Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường về xã hội hóa liên doanh liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị trong khám chữa bệnh. Qua nghiên cứu điều 90 dự thảo Luật và theo dõi thực hiện thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) khẳng định, xã hội hóa liên doanh liên kết giữa các cơ sở y tế công lập với các tổ chức cá nhân ngoài xã hội là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế.

Thực tiễn đã chứng minh, sau một thời gian triển khai chính sách này đã đi vào cuộc sống và mang đến nhiều kết quả tích cực, nhờ việc triển khai kỹ thuật cao và áp dụng các trang thiết bị hiện đại đã giúp góp phần đáng kể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp cho người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao, ngay cả điều trị trong nước không cần ra nước ngoài.

Đặc biệt, với việc triển khai chính sách này, không chỉ tuyến Trung ương mới tiếp cận kỹ thuật cao hiện đại mà ngay cả bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được kỹ thuật cao hiện đại để giúp cho người dân địa phương được hưởng ngay tại y tế cơ sở mà không cần chuyển tuyến, vượt tuyến.

Tiêu điểm - Hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế gần như đang 'đóng băng'

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Bên cạnh đó, đại biểu Thủy cũng cho biết ngoài kết quả tích cực, quá trình triển khai chủ trương này cũng nảy sinh nhiều vấn đề, đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với máy móc xã hội hóa gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế.

Đáng lưu ý, do thiếu quy hoạch rõ ràng nên hiện nay đang có sự mất cân đối rất lớn trong huy động nguồn lực. Nữ đại biểu cũng chỉ ra xã hội hóa liên doanh liên kết hiện nay chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi.

“Trong khi đó ở những cơ sở y tế tuyến dưới nhất là ở tuyến địa phương có điều kiện kinh tế xã hội hóa khó khăn rất cần xã hội hóa thì lại không được xã hội hóa, dẫn tới thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này”, bà Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, bà Thủy cho biết việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh liên kết hợp tác đặt máy móc thiết bị khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, có thể kể đến vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai, làm lợi cho một nhóm người và gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.

Theo bà Thủy, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý y tế một trong những nguyên nhân quan trọng là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng.

“Điều này vừa gây khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho các đơn vị tư nhân tham gia và dễ bị lợi dụng để trở thành cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước”, bà Thủy nhấn mạnh.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại này phải sửa đổi trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Thủy cũng chỉ ra rằng khi nghiên cứu dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), bà chỉ thấy duy nhất có điều 90 về xã hội hóa liên doanh liên kết, tuy nhiên việc quy định chung chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng vốn đã kéo dàu nhiều năm, nay càng trở trầm trọng hơn.

"Vì thế, tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế gần như tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn ngành gần như đang đóng băng không dám triển khai. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng nâng cao, các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ sự bổ sung một cách cụ thể trong các văn bản luật", bà Thủy nêu.

Từ những phân tích trên, đại biểu đoàn Bắc Kạn có 3 kiến nghị: Thứ nhất, ghi cụ thể vào trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa y tế; thứ hai, bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; cuối cùng, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh liên kết ở các địa phương.

Bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) kiến nghị dự thảo Luật lần này bổ sung thêm ba chương việc khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và điều chỉnh các nội dung quan trọng khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Ông Minh cho hay, đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được đưa vào vào luật dành một chương riêng cho vấn đề này.

Đại biểu Minh nhấn mạnh, y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỉ lệ thuận với y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện có tiếng tăm trong kỹ thuật y khoa có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, chưa hẳn đa số là những người có y đức và ứng xử tốt với bệnh nhân.

Tiêu điểm - Hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế gần như đang 'đóng băng' (Hình 2).

Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức.

“Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa tận tình chăm sóc người bệnh, nhất là xông pha trong chuyện đâu để chống dịch như thời gian vừa qua, thì cũng còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy “lương y như từ mẫu”…”, đại biểu Minh nhấn mạnh.

Vì vậy, theo đại biểu, dự thảo Luật có quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, thì cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức.

Đại biểu cho biết, 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể, cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.

Vấn đề thứ hai, đại biểu nêu quan điểm dự thảo Luật cần phải quy định rõ hơn trong trường hợp nào các cơ sở y tế không công nhận hoặc sử dụng kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, chiếu, chụp phim do thời gian, chất lượng, không đúng với tình trạng, nhằm tránh lãng phí gánh nặng cho người bệnh, gia đình người bệnh và lạm dụng quyền tùy tiện trong khám, chữa bệnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.