Hôm nay (24/9), Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2022-2023 tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
Buổi lễ nhằm mục tiêu thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, hạn chế thiệt hạn về tai nạn giao thông.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh gửi lời cảm ơn và đánh giá cao về tầm vai trò của buổi lễ.
Thứ trưởng đánh giá: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã có rất nhiều bộ, ngành cơ quan đơn vị cùng vào cuộc. Thời gian qua, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, ý thức của người dân, học sinh ngày càng được nâng cao. Những dấu hiệu đáng mừng cần được tiếp tục phát huy và có những hướng đi đúng đắn hơn trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần phải quan tâm hơn trong năm học 2022-2023. Bởi vì so với cùng kỳ năm trước chúng ta có giảm được 3447 vụ tai nạn giao thông và giảm được 1040 người chết, và giảm 3122 người bị thương. Nhưng theo số thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia các vụ tai nạn này trong thời gian vừa qua đối với đối tượng dưới 18 tuổi cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
“Ngành giáo dục có trên 22 triệu số học sinh, sinh viên là nhân tố cần thực hiện nghiêm chỉnh an toàn giao thông, chiếm vị trí quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững của đất nước. Bộ GD&ĐT mong muốn thế hệ trẻ là thế hệ tiên phong trong việc thực hiện an toàn giao thông để góp phần phát triển toàn diện cho các em học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết.
Giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra với thầy và trò trong nhà trường. Và cần có sự quan tâm sâu hơn trong thời gian tới. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường và học sinh, sinh viên cần đặt ra những mục tiêu cụ thể để đạt được trong năm học 2022-2023. Đề nghị các Sở GD&ĐT, các trường, đơn vị, trung tâm, thực hiện tốt tháng cao điểm an toàn giao thông.
Đặc biệt tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông, tăng tính chủ động, sáng tạo; phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và cơ quan liên quan để đảm bảo an toàn giao thông; các trường THPT tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Cũng tại buổi lễ, TS.Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đưa ra những định hướng, nhiệm vụ để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.
Đánh giá an toàn giao thông là vấn đề toàn cầu, vì vậy ngành giáo dục, nhà trường, phụ huynh, học sinh, sinh viên cần có những hành động cụ thể cho vấn đề này.
Ở đây, ông Khuất Việt Hùng đề nghị cần có những buổi kiểm tra học sinh chưa có mũ bảo hiểm, học sinh vi phạm an toàn giao thông. Cùng với đó, xây dựng trường học an toàn, mỗi cơ sở giáo dục nên có chỗ đỗ xe đảm bảo quy định, đảm bảo chỗ để xe của phụ huynh khi đón con,…Để thực hiện cần có sự phối hợp giữa nhà trường và lãnh đạo địa phương.
Thủ tướng Chính phủ lấy tháng 9 hàng năm làm tháng an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành kế hoạch hành động, hướng dẫn Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan thành viên triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Theo đó, nội dung của tháng an toàn giao thông sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa giao thông, tuyên truyền theo chủ đề quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tác hại của rượu bia với an toàn giao thông.