Ngày 8/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Còn thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học
Báo cáo tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết
Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 346 trường phổ thông, gồm: 138 trường tiểu học, 141 trường THCS công lập, 141 trường THCS công lập, 28 trường tiểu học và THCS công lập, 35 trường THPT (24 trường công lập, 11 trường tư thục), 1 trường THCS và THPT, 3 trường tiểu học, THCS và THPT tư thục,172 cơ sở giáo dục thường. Các điều kiện triển khai chương trình mới như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được chuẩn bị tích cực.
Năm 2023, UBND tỉnh đã tạm giao tổng số người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT. Trong đó có cả giáo viên môn mới theo chương trình phổ thông 2018.
Hiện tại, đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng đối với số giáo viên được giao bổ sung và số giáo viên chưa sử dụng, trong đó có giáo viên của 2 môn Mỹ thuật và Âm nhạc trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm học 2022-2023, theo báo cáo của các trường THPT, chưa có học sinh đăng ký lựa chọn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì vậy trước mắt chưa xuất hiện khó khăn đối với 2 bộ môn này.
Về khó khăn, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết số lượng người làm việc trong các cơ sở THCS công lập của tỉnh còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp. Cụ thể, tổng số giáo viên theo định mức là 10.869, số giáo viên hiện có mặt là 9.282. Như vậy, tổng số còn thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT cho năm học 2022-2023 là 1.586 giáo viên.
Ngoài ra, do thay đổi về chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 nên nguồn tuyển dụng đối với cấp tiểu học, THCS và cả mầm non còn hạn chế. Tình trạng số biên chế chưa sử dụng còn nhiều, chưa bảo đảm số giáo viên giảng dạy trong các nhà trường.
Về việc thiếu giáo viên trên địa bàn ông Lê Quang Hòa - Giám đốc Sở Nội vụ Hưng Yên giải trình nguyên nhân quan trọng nhất liên quan đến việc phải thực hiện tinh giản biên chế, khó khăn trong nguồn tuyển, đặc biệt với cấp mầm non, THCS khi áp dụng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng là một trong những địa phương có tổng biên chế được giao rất thấp so với cả nước.
Đẩy mạnh xã hội hoá khắc phục hạn chế
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần tăng cường đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, làm rõ từng sở, ngành, địa phương triển khai đến đâu, cùng với đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cốt lõi nhất của đổi mới lần này là ở yếu tố chuyên môn - đó mới là chất, linh hồn của đổi mới. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thêm về những thay đổi của hoạt động dạy và học khi chương trình mới trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn cho địa phương, nhà trường, giáo viên.
“Giáo viên có gì thay đổi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Tâm trạng giáo viên ra sao? Mức độ đổi mới thế nào? Giáo viên đã được hỗ trợ chưa?...”, Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời khẳng định mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới.
Thời gian tới Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã quan tâm thì tiếp tục chỉ đạo, ưu tiên đầu tư. Cùng với đó Hưng Yên phải coi việc đẩy mạnh xã hội hoá như một giải pháp đặc thù.
“Khu vực này đời sống người dân tương đối tốt, yêu cầu trường học chất lượng tốt là có thật. Đẩy mạnh xã hội hoá như giải pháp đặc thù của Hưng Yên. Câu chuyện căng thẳng giáo viên giảm đi, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục”, Bộ trưởng bày tỏ.