Huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 6, 25/11/2022 22:04

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu nền kinh tế.

Chiều 25/11, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các Quỹ Đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thế giới có sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, đầu tư sau giai đoạn chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và dòng vốn quốc tế ưu tiên vào các dự án xanh, bền vững.

Việt Nam đẩy mạnh kết hợp giữa các nguồn lực bên trong và bên ngoài, góp phần tạo lập các nền tảng tăng trưởng bền vững để phục vụ nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Hội nghị đã thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam về cách tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm nguồn vốn của các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính, phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững của Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Bnews/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là mục tiêu, yêu cầu nhất quán và cấp thiết của Việt Nam.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đóng vai trò cầu nối góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư – kinh doanh giữa các đối tác Việt Nam và quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là những mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội với bảo vệ môi trường.

Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, quan trọng của cả nước, Ủy ban đang xây dựng và thực hiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, trong đó tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển bền vững trên cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo và thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có năng lực và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoàng Anh tin tưởng Hội nghị sẽ là cầu nối thiết thực, hiệu quả giữa các Quỹ đầu tư, Tổ chức tài chính quốc tế với các cơ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, giúp các bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong việc hợp tác với các quỹ đầu tư huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực mà các cơ quan Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển và kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp.

Trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, SCIC cũng như các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò và tiềm lực để đi tiên phong trong đối thoại, thương thảo với đối tác quốc tế để có thể thu hút nhiều hơn nguồn vốn tiềm năng, có chất lượng của các quỹ đầu tư cũng như nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo động lực, sức lan tỏa cho việc thu hút nguồn lực cho tăng trưởng bền vững.

Các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đã chia sẻ nhận định về tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam và tầm nhìn, kinh nghiệm quốc tế về thu hút các nguồn tài chính cho phát triển bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đại diện Tập đoàn Credit Suisse dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 8% năm 2022, thuộc nhóm cao nhất tại Châu Á và ASEAN; đánh giá cao Việt Nam duy trì tốt động lực xuất khẩu nhờ hệ thống các Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, duy trì được tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước các thách thức từ bên ngoài, không phải chịu áp lực nợ công và là một trong những điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong ASEAN.

Quỹ đầu tư Warburg Pincus nhấn mạnh Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á và Quỹ đến nay đã đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam; cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm đến ba yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư, đó là: duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả...; và chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài.

Trưởng Đại diện World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk và nhiều đại biểu các nước, tổ chức quốc tế nhận định trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro, bất định, Việt Nam đối diện với các thách thức gia tăng từ biến đổi khí hậu; đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải và sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững.

Nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần lượng vốn tài chính lớn, với mức đầu tư thêm tương đương 7% GDP mỗi năm, Trưởng đại diện World Bank và Đại sứ EU tại Việt Nam đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về giải pháp huy động tài chính gồm gắn kết các cam kết khí hậu với các dự án xanh và khả thi, thúc đẩy hợp tác công – tư, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tài chính xanh và có khuôn khổ pháp lý phù hợp cho giải ngân nguồn vốn ODA, thúc đẩy các công cụ tài chính xanh và bền vững, có giải pháp sáng tạo nhằm chuyển đổi nguồn vốn tập trung cho các dự án xanh, thiết kế và thực thi các ưu đãi khuyến khích tín dụng xanh…

Hội nghị cũng thảo luận, chia sẻ các mô hình quỹ đầu tư công trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam. Đại diện các quỹ đầu tư và tổ chức quốc tế như Temasek, Jardine Matheson, Standard Chartered Bank, Vina Capital... và các doanh nghiệp nhấn mạnh nhu cầu của Việt Nam đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững trong dài hạn; đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị về nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.