Người lính tay không một ngày bắt sống 33 tên địch

Người lính tay không một ngày bắt sống 33 tên địch

Thứ 2, 06/05/2013 | 13:47
0
Một ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngọ Văn Hiệp, người từng được mệnh danh là "thợ săn tù binh" với kỳ tích tay không bắt gọn 33 tên lính Lê dương một ngày trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Kỳ tích của "thợ săn tù binh"

Những ngày tháng 5, khi nắng vàng rót đều trên khắp các con phố thủ đô, đốt cháy những chùm loa kèn đang rạo rực xuống đường, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngọ Văn Hiệp. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) như nhộn nhịp hơn ngày thường. Chủ nhân của căn nhà vốn là một cựu binh đã rời quân ngũ được hơn 60 năm phấn khởi đón khách.

Nếu tính cả tuổi ta ông Hiệp đã bước sang tuổi 83, cái tuổi  được gọi là thượng thọ. Mái tóc bạc trắng như cước, dáng người cao gầy, bước đi vẫn nhanh nhẹn như thuở trung niên. Ít ai nghĩ rằng người lính già này từng hơn 10 lần suýt bị tử thần bắt đi. Cũng chẳng ai ngờ, thời trai trẻ ông từng tay không bắt sống 33 tên lính Lê dương trong một ngày. Trò chuyện với chúng tôi, người cựu binh của Sư đoàn 308 lừng danh như được sống lại những ký ức bi tráng thuở nào. Những đêm cùng đồng đội nằm rừng phục kích, chia nhau từng miếng cơm vắt, từng ngụm nước, tiếng đạn pháo hay hỏa lực từ các chiến hào vọng lại... lại được tái hiện chân thực mà hào hùng qua lời kể của ông.

Xã hội - Người lính tay không một ngày bắt sống 33 tên địch

Ông Ngọ Văn Hiệp đang kể về những năm tháng hào hùng của thời chiến.

Ông Hiệp kể cho chúng tôi nghe về khúc tráng ca bất diệt của quân đội ta cũng như hành trình binh nghiệp của mình. Ông nhập ngũ Đại đội Quân báo trinh sát thuộc Sư đoàn 308 quân tiên phong vào ngày 4/7/1949. Đây cũng là sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng tham gia các chiến dịch như biên giới Cao-Bắc-Lạng (1950), Trần Hưng Đạo (1950), chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến, lực lượng trinh sát đóng vai trò rất quan trọng, bao giờ cũng dẫn đầu đoàn quân, đi trước mũi tên làn đạn. Lính trinh sát phải nhanh nhẹn, "tai thính, mắt tinh, mũi nhạy", đặc biệt phải thật gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không lùi bước trước quân thù. Không những thế, thông tin thăm dò được sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến thắng của trận đánh. "Mỗi khi bước vào trận, anh em trinh sát chúng tôi phải chui vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công. Nhiều khi phải lao đi giữa làn đạn địch để truyền đạt thông tin, mệnh lệnh của cấp trên".

Ông Hiệp kể: "Trong chiến dịch Hòa Bình ở đồn Na Phù (huyện Hưng Hóa, Phú Thọ), sau thời gian theo dõi và nắm được quy luật của địch, đơn vị tôi quyết định bắt tù binh để khai thác tài liệu. Lần đó, tôi cùng hai đồng đội phục kích tại khu vực gần nhà dân. Đúng như kế hoạch, 5 tên lính ngụy được trang bị đầy đủ vũ khí lăm lăm tiến vào. Nhanh như cắt, tôi liền xông ra bắt. Thấy động, chúng liền tháo chạy nhưng tôi vẫn tóm gọn mà không tốn viên đạn nào. Sau trận này, chúng tôi được điều sang đường số 6 hoạt động từ đồn Pheo đến đồn Hàm Voi; đồn Nút và đồn Đồng Bến. Nắm được quy luật hoạt động của địch tại đồn Nút, tôi được phân công trinh sát cùng hai đồng chí khác. Hôm đó địch đi tuần rất đông có cả chó béc-giê, chúng đi qua chỗ chúng tôi trú quân chỉ vài mét nhưng không phát hiện ra. Tôi được bố trí ngay đường đồn xuống suối, hai đồng đội phục kích cách đó khá xa. Thấy hai tên địch khiêng một cái thùng bước xuống suối ngang qua chỗ phục kích, tôi liền men theo sau thúc súng vào lưng chúng hô to: "Hô lê manh han tơ la - giơ tay lên". Chúng sợ hãi buông thùng xuống và giơ tay đầu hàng. Sau khi khai thác mới biết, hai tên địch này đều là lính Pháp, một lính lái xe và lính quân khí".

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hiệp cũng tham gia ngay từ đầu. Cấp trên lệnh cho quân báo chuyển qua sân bay lấy dù của địch vì ta cần rất nhiều dù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng 308 đưa quân sang Lào, phương châm tác chiến là tự túc lương thực, tìm địch mà đánh. Khi đánh chặn địch ở Yên Ngựa - Giang Tơi - Thượng Lào, đơn vị của ông đánh địch suốt một ngày một đêm. Trận này, một mình ông Hiệp bắt sống 25 tên địch sau đó bắt chúng vác ngược súng quay lại phía sau chiến tuyến. Trên đường đi, ông Hiệp tiếp tục bắt sống 8 tên địch khác. Chỉ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính trinh sát Ngọ Văn Hiệp đã bắt sống 33 tên địch một ngày. Cũng từ đó ông được đồng đội đặt cho biệt danh "thợ săn tù binh".

Xã hội - Người lính tay không một ngày bắt sống 33 tên địch (Hình 2).

Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954.

Anh hùng không...huy chương

Có một điều khiến tôi thắc mắc ngay từ khi đặt chân vào căn nhà nhỏ của ông Ngọ Văn Hiệp. Trong nhà không treo một tấm bằng khen hay bất kỳ tấm huân chương nào. Đem thắc mắc này trò chuyện với ông Hiệp chúng tôi phần nào hiểu thêm nỗi trăn trở bấy lâu của ông. Ông bảo: "Khi trở lại chiến dịch Điện Biên Phủ, bấy giờ ta mới tấn công đồn Him Lam và đồn Độc Lập. Tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Kết thúc chiến dịch, đơn vị chuyển về đường 13 tại Bắc Giang thì tôi bị sốt nặng phải đi quân y viện. Đến khi trở về thì đơn vị đã bình công khen thưởng xong". Từ sâu trong đáy mắt ông, chúng tôi hiểu phần nào nỗi buồn của người lính già.

Đem câu chuyện của ông Hiệp tới gặp những người đồng đội từng vào sinh ra tử với ông, chúng tôi đã phần nào vỡ lẽ căn nguyên. Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Trọng Quỳ (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xác nhận những điều ông Hiệp kể là đúng. Trong thời gian làm nhiệm vụ, ông là cán bộ trực tiếp chỉ huy và cùng chiến đấu với ông Hiệp. Theo lời ông Quỳ, nhiệm vụ của lính trinh sát luôn đi trước về sau và có những năm sư đoàn cơ động trên chiến trường tham gia liên tục ba chiến dịch nên không có điều kiện để tổ chức bình công báo công xét khen thưởng. Chính vì thế ông Hiệp chưa bao giờ được khen thưởng từ đơn vị. Đó là thiệt thòi lớn.

Từng vào sinh ra tử với ông Ngọ Văn Hiệp, đại tá Nguyễn Thanh Tùng (tổ 13, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện cũng đã nghỉ hưu. Ông Tùng kể lại: "Thời điểm đó, tôi ở Ban quân báo đại đoàn, là cơ quan tham mưu trực tiếp chỉ đạo và quản lí đại đội trinh sát. Tôi biết rất rõ các trường hợp chiến đấu thời gian đó. Sở dĩ đồng chí Hiệp cũng như nhiều đồng chí khác không được khen thưởng kịp thời, vì đơn vị vốn hoạt động phân tán nhỏ lẻ, rất ít khi được tập trung. Hơn nữa, thời kì đó, các đảng viên giữ gương mẫu, không nói, không kể về thành tích của mình. Sau đó đồng chí Hiệp lại chuyển ngành nên sự việc trôi qua".

Chiến tranh đã lùi xa, những cựu binh năm xưa như ông Hiệp nay cũng đã gần đất xa trời...Thiết nghĩ sự khen thưởng, dù nhỏ thôi, với những người từng đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước- tuy đã muộn nhưng vẫn là việc cần làm, không thể lãng quên.        

Ranh giới sự sống và cái chết nhẹ nhàng lắm!

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng ký ức về những năm tháng khói lửa vẫn chưa một lần phai nhạt trong tâm thức người lính già Ngọ Văn Hiệp. Ông có thể kể vanh vách cho chúng tôi nghe từng trận đánh, từng đêm phục kích đồn địch, nhớ như in những khuôn mặt đồng đội chung chiến hào cùng ông. Hơn 60 năm, đến giờ câu hỏi vì sao ông dám một mình đối diện với hàng chục tên địch tay lăm lăm vũ khí vẫn chưa thể giải thích nổi. Có chăng, là tinh thần tất cả vì độc lập dân tộc, người lính xung trận không nề hà gian khổ hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt. Ông Hiệp bảo, ngày ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết với người lính nhẹ nhàng lắm. Khi ấy mong muốn giành độc lập cho đất nước lớn hơn nhiều lần nỗi ám ảnh mất mát hy sinh.

Anh Văn

Cội nguồn tên gọi "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Cụm từ "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không" từ lâu đã trở thành niềm tự hào của những tâm hồn thiết tha yêu Thủ đô. Trong những ngày đạn bom dữ dội của chiến tranh phá hoại, cụm từ có sức mạnh như một động lực để quân và dân ta tiếp tục bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để lập nên một kỳ tích vang dội.

"Vũ khúc" Cò Nhạn trên mảnh đất Điện Biên Phủ

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:49
Xuất hiện trên các địa bàn như xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), tổ dân phố 20, 14, 22, phường Tân Thanh (thành phố Điện Biên Phủ), tỉnh Điện Biên hơn 2 tuần trước, Đàn Cò Nhạn với số lượng lên đến hàng nghìn con này ngày càng có xu hướng tăng dần về số lượng, mở rộng quy mô địa bàn kiếm mồi và nơi trú ngụ.

Người lính kể chuyện chiến trường bằng thơ và nỗi đau da cam

Thứ 2, 22/04/2013 | 08:53
Là một trong số ít người may mắn sống sót trong đợt nhập ngũ hơn 600 người tại bến Tích Giang năm nào, ông Nguyễn Văn Chiêu (64 tuổi), xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) trở về với cuộc sống một người nông dân lam lũ.

Cảnh đời cơ cực người lính già bên đèo Cả

Thứ 5, 28/02/2013 | 15:43
Lang thang trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) vào một buổi tối trời mưa, chúng tôi dừng lại bên lề đường khi bắt gặp hình ảnh một ông già có đôi chân một mất, một còn. Đó chính là ông Lê Thi, một người lính trên chiến trường năm xưa (ông sinh năm 1952, ngụ tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên).