Huyền thoại về di tích chùa Kẻ Trẹ

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 7, 14/05/2022 07:00

Gắn liền với tên gọi theo địa danh Kẻ Trẹ, chùa được xây dựng dưới thời Nguyễn, nơi thờ tự theo phái phật giáo Đại thừa.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, năm 2022 chùa Kẻ Trẹ được xếp hạng di tích cấp tỉnh, là công trình kiến trúc tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và vùng phụ cận.

Sử xưa ghi lại, vào đầu thời Nguyễn, chùa được xây dựng trên vùng đất Kẻ Trẹ lúc bấy giờ thuộc làng Đôn Nhượng, xã Do Lễ, tổng Thông Lãng, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô, trấn Nghệ An; nên được người dân tại địa phương đặt tên là chùa Kẻ Trẹ.

Đời sống - Huyền thoại về di tích chùa Kẻ Trẹ

Di tích chùa Kẻ Trẹ nằm cách TP.Vinh 7km hướng Tây Nam, cách huyện Hưng Nguyên khoảng 2km về phía Tây

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, vào những năm 1822, 1831, 1898, rồi đến những năm sau cách mạng tháng tám, 1946, 1947, 1949, 1951, 1976, 1991, 1919, các địa danh, tên gọi như phủ, trấn, xã, xóm được thay đổi theo thời gian. Nhưng chùa Kẻ Trẹ vẩn được giữ nguyên vị trí, nay thuộc xóm 2, làng Đôn Nhượng, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Khảo tả di tích

Hiện nay, chùa nằm trong khuôn viên với tổng diện tích 5.747,9m2, bao gồm các công trình như tam quan, sân vườn, chính điện. Theo triết lý nhà phật, Tam quan có nghĩa là ba điều xem xét cho rõ trong đạo Phật, đó là không quan, giả quan và trung quan.

Tam quan được làm với ba lối ra vào, gồm cửa chính và hai cửa tả, hữu. Cửa chính được thiết kế kiểu chồng diêm hai tầng mái, giới hạn bởi hai trụ chính được liên kết bằng bê tông, phía trên bờ nóc trang trí hình “lưỡng long chầu nhật”. Các góc đao trang trí đầu rồng cách điệu; khoảng cách giữa hai mái tạo khung viền nhấn chữ quốc ngữ “chùa Kẻ Trẹ”. Hai cửa tả, hữu có kích thước và kết cấu giống nhau được tạo bởi trụ phụ cạnh, dưới dầm thiết kế vòm cuốn tạo lối đi, trên dầm là hệ thống mái và bờ nóc, các đầu đao trang trí đầu rồng cách điệu.

Đời sống - Huyền thoại về di tích chùa Kẻ Trẹ (Hình 2).

Chính điện của chùa

Với diện tích 34,65m2, sân chùa được lát gạch đất nung, ở phía trước sân có xây tắc môn, phía trong được bài trí một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong tư thế đứng trên đài hoa sen, tay trái cầm bình cam lộ, tay phải hướng lên trời, khuôn mặt ánh lên vẻ từ bi, phúc hậu.

Trong khuôn viên, xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Lê Xuân Đào để tri ân đối với sự hy sinh của ông, có diện tích 19,80m2 với thiết kế hình vuông hai tầng tám mái. Phía mặt trước ghi lại sự kiện là địa điểm hoạt động bí mật của Ban tài chính xứ ủy Trung kỳ, tỉnh Nghệ An giai đoạn 1930-1932; chân dung và quá trình chiến đấu hy sinh của đồng chí Lê Xuân Đào.

Đặc biệt có giếng chùa, đây là công trình cổ còn lại trong khuôn viên. Khi xưa trong quá trình xây dựng chùa Kẻ Trẹ, người dân đã đào giếng để tạo phong thủy cũng như lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại chùa và nhân dân trong vùng.

Phần chính điện của chùa được xây dựng vào thời Nguyễn. Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, trong một thời gian dài chùa bị hoang phế. Năm 2010, nhân dân địa phương và con cháu của liệt sỹ Lê Xuân Đào đã di chuyển khung nhà thánh của làng Đôn Nhượng về làm nơi thờ tự với ba gian, hai hồi, có diện tích 46,2m2. Bao gồm bài trí thờ phụng, cung giữa, cung bên trái, cung bên phải, cung đầu hồi bên trái thờ liệt sỹ Lê Xuân Đào.

Thờ theo phật giáo Đại thừa

Phật giáo du nhập vào Việt Nam khá sớm, đến thời Lý được coi là quốc giáo, trung tâm Phật giáo lúc đó là Luy Lâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh). Từ trung tâm này, Phật giáo đã truyền vào Nghệ An theo trường phái Phật giáo Đại Thừa, được lấy lòng từ bi bác ái mà tu hành, không chỉ để cứu mình mà còn cứu người.

Trên thực tế, những chùa được ra đời sớm có tên gọi rất đời thường và gần gũi như chùa Bà Bụt, chùa Bụt Đà, chùa Bụt Mọc…Điều này, cho thấy quan niệm của người dân về đức Phật cũng giống ông tiên, bà bụt có lòng vị tha, thương người hiền lành, lương thiện. Phần lớn chùa xứ Nghệ thuộc loại chùa nhỏ, tự quản không có sư, gọi là chùa làng.

Đời sống - Huyền thoại về di tích chùa Kẻ Trẹ (Hình 3).

Nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Lê Xuân Đào

Nằm trong số các chùa ở Nghệ An được xây dựng thời Nguyễn, hiện trạng chùa Kẻ Trẹ cũng được bài trí thờ phụng chủ yếu mang dấu ấn phật giáo thời đó, được thờ theo phái phật giáo Đại thừa gồm các nhân vật lịch sử như; Thích ca Mâu ni; Tam thế Phật; Bồ Tát Quán Thế Âm; Phật Mẫu Chuẩn Đề; Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù; Đức Ông; Đức Thánh Tăng; Liệt sỹ Lê Xuân Đào.

Trong những năm 1930 - 1945, chùa Kẻ Trẹ là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đây là địa điểm hoạt động bí mật của Ban tài chính xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An từ năm 1930 - 1932. Cũng là nơi hy sinh của liệt sỹ Lê Xuân Đào vào tháng 3/1932, nguyên Bí thư đầu tiên Phủ ủy Hưng Nguyên, Trưởng ban tài chính xứ ủy Trung kỳ, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An.

Di tích chùa Kẻ Trẹ là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cho người dân trong vùng và các vùng phụ cận. Nguyên xưa, tại chùa đã diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, như lễ vía Đức Phật Thích Ca xuất gia ngày 8/2 (AL); lễ vía Đức Phật Thích Ca Niết bàn ngày 15/2 (AL); lễ Phật Đản ngày 8/4 (AL) và lễ cúng rằm tháng 7 (AL). Trong đó, có lễ Phật Đản, lễ cúng rằm tháng 7 được người dân tổ chức long trọng và quy mô.

Hiện nay, chùa Kẻ Trẹ là nơi thờ phụng linh thiêng, được người dân tại địa phương và các vùng phụ cận thường xuyên đến để thắp hương cầu an, cầu lộc mỗi khi gặp hoạn nạn, hoặc vào các ngày rằm, mồng một, ngày lễ, tết với một lòng thành kính cúng Phật.

Có thể nói, di tích chùa Kẻ Trẹ là nơi thể hiện hoà quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa gìn giữ Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người xả thân vì nước. Đồng thời, đây là địa điểm gắn chặt với những sự kiện quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Là niềm tự hào của người dân xã Hưng Đạo về giá trị văn hoá khi chùa Kẻ Trẹ được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh vào đầu năm 2022.  

Nguyễn Oanh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.