Iraq gây chiến Iran năm 1980: Ồ ạt không kích, điều hàng chục nghìn quân tấn công trên bộ

Thứ 7, 18/11/2023 00:10

Tháng 9/1980, quân đội Iraq bất ngờ mở chiến dịch tấn công nước láng giềng Iran, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Iraq - Iran kéo dài 8 năm, khiến hơn 500.000 người chết, trong đó phần lớn tổn thất thuộc về Iran.

img

Chiến tranh Iraq - Iran là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất kể từ sau Thế chiến 2.

Iran ngày nay là một trong những thế lực quân sự hàng đầu ở Trung Đông mà Mỹ và các đồng minh luôn dè chừng. Tuy nhiên, Iran trong lịch sử từng bị quốc gia láng giềng Iraq tấn công bất ngờ vì cho là đang không mạnh. Iran phản ứng ra sao? Mỹ nhìn nhận và hành động như thế nào? Mời độc giả cùng nhìn lại những diễn biến quan trọng trong cuộc chiến qua loạt bài này.

Theo History, căng thẳng Iran và Iraq bắt đầu ngay từ khi nhà nước Iraq hình thành vào năm 1921 và kéo dài cho đến năm 2003.

Những năm 1970, Iran và Iraq mâu thuẫn liên quan đến  đến việc kiểm soát Shatt al-Arab, tuyến đường thủy là kết quả của sự hợp lưu giữa sông Tigris và sông Euphrates. Điểm cuối phía nam của con sông này tạo thành biên giới giữa hai quốc gia. 

Năm 1975, Iraq chấp nhận nhượng bộ để Iran kiểm soát phần lớn tuyến đường thủy. Đổi lại, Iran rút lại sự hỗ trợ cho phe ly khai người Kurd ở miền bắc Iraq.

Mối quan hệ Iran - Iraq càng căng thẳng hơn kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1978 - 1979. Iran trở thành quốc gia có số đông người Hồi giáo dòng Shia do Giáo chủ Ruhollah Khomeini đứng đầu. Ở Iraq, Tổng thống Saddam Hussein lên nắm quyền và là người Hồi giáo dòng Sunni. Là người nổi tiếng cứng rắn, ông Hussein muốn tận dụng cơ hội Iran chưa hoàn toàn ổn định để kiểm soát cả hai bờ sông Shatt al-Arab và các vùng giàu dầu mỏ của Iran. Sâu xa hơn, ông Hussein muốn kiềm chế sự trỗi dậy của phe Hồi giáo dòng Shia ở Iran.

Nắm rõ việc quân đội Iran suy yếu sau cuộc Cách mạng Hồi giáo, ông Hussein quyết định tấn công phủ đầu Iran theo cách giống như Israel từng tấn công phủ đầu các quốc gia Ả Rập láng giềng.

Chiến tranh bùng nổ

img

Iraq muốn tận dụng việc Iran vừa trải qua cuộc Cách mạng Hồi giáo để tấn công phủ đầu.

Theo tài liệu của Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ ở Washington D.C, 3 mục tiêu mà ông Hussein muốn đạt được trong chiến dịch chớp nhoáng là hủy diệt hoàn toàn không quân Iran, kiểm soát vùng Khuzestan giàu dầu mỏ của Iran, kiểm soát hoàn toàn tuyến đường thủy Shatt al-Arab. Nếu 3 mục tiêu này đồng thời đạt được trong vài tuần, Iran có thể bị choáng váng mà sụp đổ từ bên trong.

Xét về cán cân quân sự năm 1980, quân đội Iraq chiếm ưu thế đáng kể dù không quân lép vế hơn Iran. Mùa hè năm 1980, Iran đã bị Mỹ cắt hoàn toàn sự hỗ trợ, không còn nhận được các phụ tùng thay thế cho phi đội máy bay chiến đấu. Đây được coi là thời cơ không thể tốt hơn để Iraq tấn công Iran. 

Ngày 22/9/1980, quân đội Iraq mở cuộc không kích ồ ạt nhằm vào các căn cứ không quân Iran, nối tiếp sau đó là các cuộc tiến công trên bộ nhằm vào vùng Khuzestan.

Các chiến đấu cơ MiG-23, Tu-22 và Su-20 tấn công dữ dội 10 căn cứ không quân Iran, phá hủy đáng kể cơ sở hạ tầng nhưng lại thất bại khi không phá hủy được hầu hết các máy bay. Hầu hết các tiêm kích có giá trị đều được Iran cất giữ trong các nhà chứa kiên cố chống bom mìn.

Ngày hôm sau, Iraq mở cuộc tiến công trên bộ theo 3 hướng, dọc theo tiền tuyến dài 644km. 12 sư đoàn với quân số lên tới hơn 100.000 người được điều động nhưng Iraq chỉ dùng 4 sư đoàn tấn công vùng Khuzestan của Iran, 2 sư đoàn tiến công ở các khu vực khác nhằm ngăn Iran chi viện cho lực lượng ở Khuzestan. 6 sư đoàn còn lại đóng vai trò dự bị và hỗ trợ lực lượng xung kích.

Hai sư đoàn cơ giới Iraq đã bao vây thành phố cảng chiến lược Abadan và Khorramshahr của Iran. Người Iran khi đó mô tả Khorramshahr là "thành phố của máu" vì khắp nơi la liệt người chết.

img

Giao tranh giữa quân đội Iraq và Iran ở thành phố Khorramshahr.

Sau hai tuần giao tranh ác liệt, quân đội Iraq kiểm soát hoàn toàn thành phố Khorramshahr. Nhưng các bước tiến chậm khiến xung đột kéo dài hơn so với kế hoạch. Đến tháng 12/1980, mũi tiến công của Iraq đang tiến sâu 80 - 120km trong lãnh thổ vùng Khuzestan của Iran, kiểm soát các thành phố Khorramshahr, Abadan, Dezful và Ahvaz thì gặp sự kháng cự mạnh mẽ.

Trước xung đột, ông Hussein đã mất nhiều năm lôi kéo sự ủng hộ của người Iran ở vùng Khuzestan. Nhưng khi giao tranh nổ ra, đại đa số người dân Iran ở khu vực vẫn ủng hộ Giáo chủ Khomeini.

Trong giai đoạn này, không quân Iran đã hồi phục, liên tục tấn công các mục tiêu Iraq ở hậu phương bằng các chiến đấu cơ F-4 và F-5. Trực thăng AH-1 Cobra của Iran nã hỏa lực gây tổn thất lớn cho các sư đoàn cơ giới Iraq trong quá trình hành quân.

Không quân Iraq tìm cách chi viện cho lực lượng dưới mặt đất nhưng cũng hứng chịu tổn thất lớn khi Iran tung vào chiến trường tiêm kích đánh chặn F-14A, trang bị tên lửa đối không AIM-54A hiện đại. Hầu hết các vũ khí hiện đại mà Iran sở hữu trước năm 1979 đều được mua từ Mỹ. Iran mua các tiêm kích F-14A của Mỹ vào năm 1976, chỉ hai năm sau khi Mỹ trang bị mẫu tiêm kích này cho lực lượng hải quân.

Tái hiện chiến lược của Israel nhưng thất bại

img

Các chiến đấu cơ F-14 Tomcat của không quân Iran.

Theo tài liệu của Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, sở dĩ Iraq không hoàn thành mục tiêu chớp nhoáng như cách Israel thừng thực hiện trong Cuộc Chiến Sáu ngày năm 1967 là vì xác định sai trọng tâm, cũng như không có sự phối hợp chiến đấu giữa các mũi tiến công.

Giai đoạn đầu của cuộc chiến cho thấy kế hoạch và cách thực hiện kế hoạch một cách sơ sài mà trách nhiệm thuộc về ông Saddam Hussein, tài liệu của Mỹ cho biết.

Không quân lẽ ra phải là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch nhưng không nhận được sự đầu tư đúng mực. "Ông Hussein từ lâu đã kiềm chế không quân Iraq vì lo ngại một ngày nào đó các tướng lĩnh không quân có thể đảo chính", tài liệu viết.

Ngược lại, trong ngày đầu tiên trong Chiến tranh Sáu ngày 1967, không quân Israel đã phá hủy 416 máy bay của liên quân Ai Cập, Syria và Jordan trong khi chỉ tổn thất 26 máy bay. Có thể làm tệ liệt không quân đối phương hay không quyết định rất lớn đến các chiến tiến công trên bộ.

Trong cuộc chiến tranh Iraq - Iran, Iran mới là quốc gia làm chủ bầu trời. Sức ép trên không của Iran lớn đến mức quân đội Iraq phải sơ tán 332 máy bay chiến đấu khỏi quốc gia, sang trú ẩn ở các nước trong khu vực như Jodan, Kuwait, Ả Rập Saudi, Yemen và Oman.

img

Các binh sĩ Iraq ăn mừng trong cuộc chiến tranh Iraq - Iran vào những năm 1980.

Cuối tháng 9/1980, Iraq thậm chí đã phải "tạm ngừng xuất khẩu dầu sau khi 140 máy bay Iran giáng đòn không kích nhằm vào các cơ sở khai thác dầu ở Iraq, gây thiệt hại lớn.

Theo tài liệu của Mỹ, Iraq đã chủ quan khi không bố trí các hệ thống phòng không ở nhà máy lọc dầu vì nghĩ rằng đợt tấn công phủ đầu có thể làm tê liệt không quân Irran.

Cuối cùng, việc ông Hussein quyết định bao vây các thành phố Khorramshahr, Abadan, Dezful và Ahvaz đã hủy hoại hình ảnh của Iraq ở vùng Khuzestan. Pháo kích san phẳng các thành phố này càng khiến người Iran thêm phẫn nộ.

Nếu muốn kiểm soát nhanh chóng vùng Khuzestan, lẽ ra ông Hussein đã phải chuẩn bị một chiến lược hiệu quả hơn, tài liệu nhận định.

Ngày 7/12/1980, Tổng thống Iraq Saddam Hussein thừa nhận rằng Iraq đã cạn kiệt nguồn lực tiến công và chuyển sang trạng thái phòng thủ nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ giành được ở Iran.

Kể từ năm 1981, quân đội Iran sau khi tái tổ chức lực lượng đã tung vào chiến trường một lượng lớn nhân lực. Các cuộc tiến công bất chấp tổn thất đã từng bước đẩy lùi Iraq.

Mùa hè năm 1982, Iran đã giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Iraq kiểm soát. Nhưng xung đột không vì vậy mà kết thúc.

Theo tài liệu của Đại học Quốc phòng Quốc gia Mỹ, lãnh đạo Iraq đã lầm khi nghĩ rằng cuộc xung đột sẽ dừng lại ở đây. Trong khi đó, Iran không chỉ tìm cách giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Iraq kiểm soát mà còn có kế hoạch tấn công ngược lại sang lãnh thổ Iraq.

______________________________

Trong suốt cuộc chiến tranh với Iraq, Iran luôn chịu thiệt thòi vì bị cô lập, không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nhưng không vì vậy mà Iran xuống thang căng thẳng, thậm chí còn dấn thêm một nước cờ bất ngờ. Mời độc giả đón đọc diễn biến trong bài kỳ 2, xuất bản sáng sớm ngày 19/11.

Đăng Nguyễn - Tổng hợp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.