Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm 27/4 đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, do hai nước này không chấp nhận việc thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp. Đây là một trong những phản ứng cứng rắn nhất của Điện Kremlin trước các vòng trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Ba Lan và Bulgaria là những quốc gia đầu tiên bị Nga cắt khí đốt kể từ khi nước này bắt đầu can thiệp quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2. Chính phủ Ba Lan cho biết Gazprom đã dừng nguồn cung khí đốt cho họ kể từ 27/4 chỉ một ngày sau thông báo. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố các công ty từ "quốc gia không thân thiện" với Nga phải thanh toán cho khí đốt nước này bằng đồng Rúp.
Hầu hết các nước EU, bao gồm Ba Lan, Bulgaria và Đức, đã không đồng ý điều kiện thanh toán như vậy. Nhà lãnh đạo EU duy nhất cho biết ông sẽ thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp là Thủ tướng Viktor Orban của Hungary. Động thái của Moscow đã làm nổi bật sự khác nhau về chiến lược giữa Ba Lan và Hungary để ứng phó với thách thức về các nguồn năng lượng.
Mức độ phụ thuộc khác nhau
Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy EU giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga, vốn là đối tác cung cấp tới 40% khí đốt, 27% lượng dầu và 46% lượng than nhập khẩu của khối EU. Những tác động từ việc thay đổi nguồn cung năng lượng của Nga đối với mỗi quốc gia châu Âu là ở mức độ khác nhau. Hai trường hợp nổi bật có thể xem xét ở Trung Âu và Đông Âu là Ba Lan và Hungary. Trong khi Ba Lan muốn tách biệt khỏi các nguồn năng lượng từ Nga, thì Hungary cho thấy mối quan hệ năng lượng gần gũi với Nga.
Ông Benjamin L. Schmitt, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard và là thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, chia sẻ với hãng tin DW rằng: “Các quyết định về an ninh năng lượng mà Warsaw (thủ đô Ba Lan) và Budapest (thủ đô Hungary) đưa ra trong vài năm qua rất khác nhau”.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã không phủ quyết các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow và cũng không chỉ trích trực tiếp Tổng thống Vladimir Putin. Ông Orban bác bỏ việc hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cho rằng hành động như vậy sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của Hungary. Thủ tướng Orban đã chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ tư được bầu cử hồi đầu tháng này với cam kết đảm bảo an ninh nguồn cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình Hungary.
Chuyên gia kinh tế Schmitt nhận định: "Trong khi Ba Lan đã thực hiện các động thái phù hợp với khuôn khổ Liên minh Năng lượng Châu Âu của Brussels, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015 để khuyến khích các biện pháp nhanh chóng đa dạng hóa cơ sở hạ tầng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, thì Hungary đã thực hiện các động thái phụ thuộc hơn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga". Điều này bao gồm việc Hungary hỗ trợ tuyến thứ hai của đường ống TurkStream do Điện Kremlin hậu thuẫn, cũng như ký hợp đồng cung cấp khí đốt kéo dài 15 năm với Gazprom vào cuối năm ngoái.
Cựu quan chức ngoại giao EU Albrecht Rothacher chia sẻ: “Các số liệu về hỗn hợp năng lượng (energy mix) là khá thú vị. Hỗn hợp năng lượng của Hungary gồm 32% khí đốt, 29% dầu, 16% hạt nhân, 9% than và 14% năng lượng tái tạo. Trong khi của Ba Lan là 51% than, 24% dầu, 15% khí đốt và 10% năng lượng tái tạo. Rõ ràng là Ba Lan gần như tự cung tự cấp đủ về than. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu của Hungary vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga cao hơn khoảng một nửa so với Ba Lan, ở mức 31,7% so với 21,6%".
Ba Lan muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Ông Benjamin L. Schmitt, nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, nêu quan điểm: “Giống như Ukraine, Ba Lan cũng coi sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga là một mối đe dọa chiến lược hơn là mối đe dọa kinh tế". Ba Lan là nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ bảy ở EU, tiêu thụ khoảng 17 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, trong đó hơn một nửa là nhập khẩu từ Gazprom.
Ông Schmitt cho biết: "Cách tiếp cận của Warsaw phù hợp với sự ủng hộ của quốc gia này đối với chủ quyền của Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào chế độ của Tổng thống Putin liên quan đến xung đột. Trong số các hành động này, Warsaw đã tuyên bố chấm dứt nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá từ Nga vào cuối năm nay”.
Chìa khóa cho quyết định này của Ba Lan là việc vận hành đường ống khí đốt BalticPipe, dự án này đã hoàn thành xây dựng đoạn dưới đáy biển quan trọng vào tháng 11 năm ngoái. Đường ống Baltic Pipe sẽ dẫn khí đốt các mỏ ở thềm lục địa Na Uy qua Đan Mạch, đến bờ biển của Ba Lan ngay phía đông của nhà ga Swinoujscie LNG và chuyển đến các thị trường Trung và Đông Âu. Dự án với công suất 10 triệu tỷ mét khối khí đã được phát triển bởi công ty của Ba Lan và Đan Mạch. Ông Schmitt lưu ý: “Điều này mang tính lịch sử vì đây là đường ống dẫn khí đốt trực tiếp đầu tiên đến thị trường Trung và Đông Âu từ Biển Bắc, mang lại sự đa dạng hóa thực sự cho khu vực”.
Ba Lan có thể mua khí đốt trên thị trường giao ngay châu Âu và nhận hàng qua đường ống tới Đức và Cộng hòa Séc. Vào ngày 1/5 tới, một đường ống dẫn khí đốt mới kết nối với Lithuania cũng sẽ được khai trương giúp Ba Lan tiếp cận khí đốt từ trạm LNG của Lithuania.
Trong khi đó, Warsaw cũng đang hướng tới tìm kiếm nguồn năng lượng từ Mỹ. Công ty dầu khí nhà nước Ba Lan PGNiG đã ký với hai công ty con của Venture Global LNG có trụ sở tại Mỹ về việc cung cấp cho Ba Lan tới 2,7 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Bà Anna Mikulska tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc Viện chính sách công Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) nhận định: "Không giống như Hungary, Ba Lan đã nhận thức sâu sắc vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc năng lượng của Nga và đã giảm bớt điều này. Vào năm 2023, sự phụ thuộc có thể sẽ chấm dứt nhờ các kết nối mới với các nước láng giềng để cân bằng thị trường khu vực". Bà Mikulska chia sẻ qua hãng tin DW: "Đối với Ba Lan, việc thoát khỏi các nguồn năng lượng của Nga sẽ dễ dàng hơn".
Hungary có thực sự muốn tìm nguồn thay thế?
Khoảng 80% khí đốt và 65% lượng dầu mỏ của Hungary là nhập khẩu từ Nga, với các nhà máy lọc dầu của hãng năng lượng Hungary MOL đặt tại Szazhalombatta và Slovakia chế biến dầu của Nga.
Ông Gergely Gulyas, chánh văn phòng của thủ tướng Hungary, gần đây đã cho biết chưa có giải pháp nào thay thế khí đốt của Nga trong tương lai gần. Ông nói: “Không chỉ người Hungary, mà cả nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại và rơi vào suy thoái nếu không có khí đốt của Nga". Ông Gulyas nhận định sẽ mất vài tháng cho đến một năm và chi phí rất lớn để điều chỉnh các nhà máy lọc dầu của MOL không chế biến dầu nhập từ Nga.
Hungary bày tỏ muốn xem xét chi tiết đề xuất của EU về các biện pháp trừng phạt đối với nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga trước khi nước này đưa ra quyết định ngừng nhập khẩu hay không.
Chuyên gia Mikulska tại Đại học Rice (Mỹ) giải thích: "Trong khi Ba Lan có thể thoát khỏi các nguồn năng lượng của Nga về mặt vật chất, đây không phải là điều mà Hungary có thể dễ dàng làm được nhưng cũng không phải là điều mà Hungary nhất thiết phải làm".
Cựu quan chức ngoại giao EU Albrecht Rothacher nói: "Hungary là một quốc gia không giáp biển, do đó phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung đường ống mà vốn không thể dễ dàng xây dựng”.
Chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao Nicholas Kumleben của công ty tư vấn GreenMantle chia sẻ với DW: “Hungary có hỗn hợp năng lượng (energy mix) gồm khí đốt tự nhiên, hạt nhân và dầu mỏ, tất cả đều phụ thuộc vào nhiên liệu hoặc công nghệ của Nga. Ông Kumleben cho biết thêm: “Hungary nhập khẩu khí đốt của Nga với chi phí thấp hơn Ba Lan và nhiều nước thành viên EU khác”.
Đề xuất giải pháp thanh toán
Các chuyên gia như cựu quan chức ngoại giao EU Albrecht Rothacher nhận định rằng một lệnh cấm vận dầu khí của EU sẽ không khiến xung đột kết thúc ngay. Ông Rothacher nhấn mạnh: “Thay vì làm tổn hại nền kinh tế của các nước Trung và Đông Âu nhiều hơn nền kinh tế của Nga, tôi cho rằng chúng ta nên thanh toán các hóa đơn vào một tài khoản ký quỹ (escrow account: hàm ý cho bên trung gian thứ ba quản lý), theo đó sau này cũng có thể thanh toán các khoản bồi thường của Nga”.
Ông giải thích điều này sẽ đem tới hai lợi thế. Thứ nhất, nó sẽ kiềm chế quân đội Nga gây thiệt hại vào các mục tiêu dân sự, công nghiệp và cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Và thứ hai, nó sẽ làm giảm khả năng của Tổng thống Putin hoặc người kế nhiệm ông trong việc nhanh chóng đổi mới vũ khí cho các hành động quân sự mới.
Phạm Hà Thanh (theo DW, The First News, Time)