Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém

Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém

Thứ 5, 13/04/2017 | 13:59
0
Theo kinh nghiệm của các nhà khảo cổ, khi phát hiện “ma nhai táng”, thường sẽ thấy những bức “nhai bích họa” (tranh vẽ trên vách núi) ở gần đó.

Quanh khu vực hang Ma không thấy, nhưng xuôi dòng sông Mã chừng mấy cây số, trên núi Pha Tém (bản Poọng, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) bất ngờ hiện ra những bức tranh màu đỏ kỳ lạ tạc vào vách đá.

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém

 Vách đá Pha Tém, nơi có nét vẽ kỳ lạ

Đứng trên doi đất thuộc làng Chăm (xã Xuân Phú, Quan Hóa) nhìn đối diện sang bên kia sông Mã, vách núi Pha Tém như bức tường thành dựng đứng soi bóng xuống dòng nước.

Chỉ những hình vẽ loằng ngoằng màu đỏ, xếp theo nhiều hàng, khá rõ nét, ông Hà Văn Duyệt, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Lát, người sinh ra từ bản Poọng cho biết: “Từ bé tôi đã thường bơi lội, bắt cá ở đây, nên không lạ lẫm gì những hình vẽ đó. Vụng nước này rất sâu, có rất nhiều cá. Tương truyền, sau khi dùng bừa tạo nên dòng sông Mã, Ải Lậc Cậc (người Khổng Lồ trong truyền thuyết Thái) đi tìm người yêu của mình là nàng A Láy. Đói khát quá, ông quỳ chân vào vách núi Pha Tém, vục tay xuống sông Mã để bắt cá ăn. Hõm sâu trên vách đá, như hình đầu người in vào chính là vết chân của Ải Lậc Cậc đó. Nhưng không biết chuyện này có liên quan gì tới các bức vẽ không, thì tôi chưa rõ”.

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém (Hình 2).

 Ông Hà Văn Duyệt giới thiệu về vách đá kỳ lạ của làng mình.

Ông Hà Văn Dân vốn là người đi bè nổi tiếng, từng được phong Anh hùng lao động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ do những chiến công ngay trên dòng sông Mã này. Ông từng chèo hàng trăm chuyến bè giữa mưa bom bão đạn, vượt qua bao nhiêu thác ghềnh cùng lũ dữ, để đưa luồng về xuôi, ra chiến trường.

Ông Dân bảo: “Chuyến bè nào tôi cũng đi qua vách núi Pha Tém. Vách Pha Tém bên phải, rất nguy hiểm, nhưng bờ trái lại bằng phẳng, rộng rãi, đủ cho nhiều thuyền bè cùng tập trung nghỉ ngơi, ăn uống trước khi đi tiếp. Từ trên bè nhìn lên chỉ vài chục mét, bức vẽ rất rõ ràng. Là hình người con gái, bên cạnh là một con chó lớn, phía dưới có thêm một số hình vẽ người nữa, nhỏ hơn, nét vẽ đơn giản. Chúng màu đỏ, thấm rất sâu vào đá, mưa gió không rửa trôi được. Nhưng gần đây, đám trẻ bên làng Chăm hay tắm sông chỗ này, chúng lấy nước nghịch xóa mãi, nên cũng mờ đi ít nhiều”.

Vừa nói ông Dân vừa dùng viên đá mềm màu đỏ vạch lên hòn cuội lớn cho chúng tôi hình dung các nét vẽ. “Sự tích bức vẽ thì người Thái mường Ca Da chúng tôi thuộc nằm lòng. Đó là truyện kể về ông tạo Chu Sang (tạo mường Sang, thuộc huyện Mộc Châu, Sơn La), có người con gái rất xinh đẹp tên là Nang Á. Bao nhiêu người đến hỏi cưới, ông tạo đều không ưng, vì chính ông cũng muốn cưới con gái mình làm vợ. Người nhà và dân bản khuyên can không được, bèn báo lên quan trên đem quân về trừng trị” – ông Dân cho biết.

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Máu in “nhai bích họa” trên vách Pha Tém (Hình 3).

 Ông Hà Văn Dân đang mô phỏng những nét vẽ mà ông từng nhìn thấy ở Pha Tém từ nhiều năm trước

Lúc đó, tạo Chu Sang bèn dắt con gái cùng một số tùy tùng băng rừng chạy trốn ra sông Mã, chỗ suối Quanh (xã Trung Sơn, Quan Hóa), dựng nhà trên bè để sống. Dân làng lại xua đuổi, ông Chu Sang phải xuôi bè đi tiếp. Nhưng đến đất Ca Da thì Long vương sông Mã làm sóng lớn nổi lên, bè xoay như chong chóng sắp chìm.

Người Ca Da quăng dây lớn kéo lại không nổi, bè cứ băng băng lướt đi trên sóng dữ. Long vương hiện lên, bảo: “Phải bỏ người con gái lại, không được làm chuyện loạn luân. Nếu không chịu thì tất cả cùng chết”.

Vứt bao nhiêu của cải xuống sông để cầu xin mà không được, ông Chu Sang bèn xin sóng gió ngừng trong giây lát, để ông than thở vài lời trước khi chết. Than rằng, không có được người đẹp mình yêu thương, thì dẫu được sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Lại than rằng, lấy con gái ruột của mình làm vợ, cũng khác nào cầm thú.

Rồi ông lấy máu vạch lên vách núi hình người đẹp là con gái mình, hình những người đi theo, hình bà Mụ với mong muốn cùng con gái sinh con đẻ cái..., trước khi chiếc bè chìm hẳn vào dòng nước. Đó chính là sự tích bức tranh trên vách núi Pha Tém (theo tiếng Thái, nghĩa là núi Viết, hoặc hiểu rộng là Vẽ). 

(Còn tiếp)

Lê Quân

Xem thêm: 

Khám phá miền sông Mã: Cuộc đi săn kỳ vĩ từ thuở hồng hoang

Khám phá miền sông Mã: Ngôi nhà của người Việt cổ 6 vạn năm trước