Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tổng kế hoạch vốn tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 là hơn 3.919 tỷ đồng.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã phân bổ kế hoạch vốn hơn 3.564 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ do nguồn thu tiền sử dụng đất cấp huyện không đạt kế hoạch là 185,776 tỷ đồng; số vốn đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương là 169,824 tỷ đồng, do không còn nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2022.
Đến ngày 31/1/2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đạt 83,3% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 91,6% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế.
Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 97,9% kế hoạch. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt 83,6% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 66,5% kế hoạch. Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân đạt 73,8% kế hoạch. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi giải ngân đạt 68,2%.
Theo báo cáo, nguyên nhân khách quan dẫn đến giải ngân thấp là do hiện nay một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm đang phải ngừng triển khai để rà soát lại về quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Mặt khác, hiện nay, Sở Xây dựng đang tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Dự kiến, ranh giới thực hiện dự án qua địa bàn 11 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm (trừ Cam Phước Tây, Sơn Tân và Suối Cát) chiếm hơn 95% chỉ tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng đất được phân bổ. Hiện tại, các hoạt động phát sinh liên quan nguồn thu tiền sử dụng đất của huyện Cam Lâm rất hạn chế.
Do đó, việc thu tiền sử dụng đất của huyện không thực hiện được theo kế hoạch giao đầu năm 2022, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.
Nguồn thu tiền sử dụng đất thực tế của một số huyện năm 2022 không đạt kế hoạch giao đầu năm, ảnh hưởng đến việc phân bổ và giao kế hoạch vốn thực tế cho các dự án đầu tư công. Từ đó, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022 nhưng tỉ lệ giải ngân còn thấp do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân còn chậm.
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 14 đơn vị đạt tỉ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức giải ngân bình quân chung toàn tỉnh; 27 đơn vị có tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn cao hơn tỉ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh.
Về kết quả xếp loại giải ngân năm 2022, toàn tỉnh có 23 đơn vị chủ đầu tư, địa phương đạt loại tốt; 4 đơn vị chủ đầu tư, địa phương xếp loại khá; 14 đơn vị chủ đầu tư loại yếu.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị, địa phương nỗ lực khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, mong muốn các đơn vị, địa phương thực hiện giải ngân tốt vốn đầu tư công tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023.
Về 14 đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, ông Hoàng yêu cầu các đơn vị này có báo cáo giải trình gửi UBND tỉnh cũng như Sở kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, nếu có kiến nghị về xếp loại cũng trình bày để tỉnh xem xét.
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2023. Bên cạnh đó, tham mưu các biện pháp thực hiện với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt kế hoạch…
Châu Tường