Theo đó, trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người là rất cao.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hơn 10 năm gần đây không xuất hiện người mắc bệnh dại, tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 đã có 7.425 lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Hiện tượng chó vô cớ cắn 2 người nước ngoài gây thương tích phải nhập viện vào tháng 2/2023 ở xã Vĩnh Hiệp, Tp.Nha Trang hay tháng 4/2023 ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa có ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Theo tỉnh này, để phòng chống bệnh dại trên người, không xuất hiện người mắc bệnh dại, tử vong do bệnh dại thì công tác phòng chống bệnh dại trên động vật (nhất là chó mèo nuôi) đặc biệt quan trọng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉ lệ tiêm phòng cho đàn chó đạt khá cao nhưng chưa bền vững, chưa có vùng cơ sở an toàn bệnh dại động vật.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bệnh dại động vật vẫn còn một số hạn chế như một số địa phương chưa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật giai đoạn 2022 - 2030 và hàng năm; công tác đăng ký, thống kê, lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn tại các địa phương hầu như chưa được triển khai; chưa thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng vắc-xin dại theo quy định.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật; xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại của địa phương.
Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo bảo đảm đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 75% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo…
Riêng đối với UBND Tp.Nha Trang, cần chỉ đạo, rà soát và sớm tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại động vật, đặc biệt các phường nội thành tập trung khách du lịch.
UBND tỉnh này cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với UBND các cấp tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo; bảo đảm tỉ lệ tiêm phòng đạt trên 75% tổng đàn.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn chó, mèo; tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo trong nước theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; kiên quyết xử phạt các vi phạm về nuôi chó, mèo, tiêm phòng vắc-xin dại theo quy định của pháp luật…
Sở Y tế đảm bảo việc tiếp cận vắc-xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
Kịp thời chia sẻ thông tin với cơ quan thú y ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi ngờ mắc bệnh dại cắn. Đồng thời, tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định…
Châu Tường