Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử

Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 29/10/2021 20:00

Khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm đưa mặt hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử 

Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch 589/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An năm 2021, 2022 và định hướng đến năm 2025.
Kế hoạch nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Theo mùa vụ, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nhanh sản phẩm nông nghiệp, góp phần tránh ùn ứ nông sản vào thời cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá.

Xu hướng thị trường - Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử

Cam Xã Đoài, một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của người dân Nghệ An. Ảnh: Sài Gòn giải phóng. 

Năm 2021, 2022, tỉnh Nghệ An lựa chọn các nhóm hộ sản xuất nông nghiệp đạt các chứng chỉ, chứng nhận như: OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO để tập trung hỗ trợ xây dựng điển hình nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm sẽ được quảng bá, giới thiệu trên sàn “Postmart.vn” của VNPost, “Voso.vn” của ViettelPost và nghiên cứu mở rộng trên sàn “37nghean.com” của Sở Công Thương Nghệ An.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 26/10 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cũng đã ký ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021 và giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số vào trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa các kênh phân phối nông sản, hạn chế hiện tượng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm vụ thu hoạch.

Xu hướng thị trường - Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử (Hình 2).

Bưởi da xanh là một trong những loại cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao của Bến Tre. Ảnh: Báo Đầu Tư. 

Đối tượng được hỗ trợ là hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hội nông dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh (gọi tắt là hộ sản xuất nông nghiệp).

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp thiết lập gian hàng đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Sendo, Đặc sản Bến Tre. Trong đó, chú trọng các nông sản chủ lực, sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, Viet Gap, đặc sản của địa phương… nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản tại địa phương.

Xây dựng, cung cấp, hướng dẫn vận hành các trang Landing Pages, wedsite bán hàng cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tổ chức Tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu.

Đảm bảo, thực hiện hiệu quả quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website thương mại; hỗ trợ thực hiện ứng dụng giải pháp SEO thông minh qua Landing Pages.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng các chương trình kết nối cung cầu, chợ phiên online; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia nhằm hỗ trợ cho các đơn vị chuyển đổi từ hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến.

Các đơn vị được hỗ trợ khi đăng ký tham gia Kế hoạch nêu trên sẽ được miễn phí đào tạo, tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng các công nghệ số. Có quyền lựa chọn một trong các gói hỗ trợ phù hợp với thực tế để tham gia...

Thông qua Kế hoạch trên, UBND tỉnh Bến Tre đề ra mục tiêu phấn đấu hỗ trợ đưa 100% các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Đặc sản Bến Tre...

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch từ Chương trình khuyến công; Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia và của địa phương; Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trước đó vào đầu tháng 10/2021, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ người dân đưa cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử để cố gắng phục hồi kinh tế trước những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19. 

Hiện nay, toàn huyện Cao Phong đang có gần 2.000 ha cam, trong đó, hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu của huyện là sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam trên sàn thương mại điện tử Postmart. 

Xu hướng thị trường - Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử (Hình 3).

Cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình.

Ngoài cam Cao Phong, thời gian qua đã có hàng chục mặt hàng nông sản của tỉnh Hòa Bình đã được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản nói chung lên các sàn thương mại điện tử đang là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình, đến nay đã có 36 nhà cung cấp được tạo tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; có 59 sản phẩm được viết bài, đăng tải trên các sàn thương mại điện tử. Điển hình là các sản phẩm như: Cam Cao Phong; Rau su su, bưởi đỏ, bưởi da xanh (Tân Lạc); dầu Lạc (Yên Thủy); trứng gà, na (Lạc Thủy); hạt dổi Chí Đạo (Lạc Sơn), nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi)…

Hỗ trợ nông dân chủ động kinh doanh, mở thêm đầu ra mới

Được biết, để người sản xuất thích ứng với việc tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, nhiều hộ nông dân ở Hòa Bình còn được hướng dẫn những kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, nền tảng livestream. Qua đó, giúp bà con có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở thêm đầu ra mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Nhiều cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón…

Theo các chuyên gia, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước; mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Vì đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với bà con nông dân, nhất là đồng bào ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.  

Xu hướng thị trường - Khi nông dân được tiếp sức chinh phục sàn thương mại điện tử (Hình 4).

Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang được kỳ vọng sẽ là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho các mặt hàng nông sản.

Trong thời gian tới, các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử sẽ dần trở nên quy củ hơn, bài bản hơn và cạnh tranh hơn. Để đưa nông sản lên thương mại điện tử, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bà con nông dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, bảo quản . . . để bảo đảm chất lượng đồng đều, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Khi tham gia các chương trình đào tạo và tập huấn thương mại điện tử cần có sự chủ động học hỏi, sáng tạo trong việc ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá trên môi trường số.

Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, kết nối với các hợp tác xã, UBND xã, huyện, tỉnh tại địa phương, các Sở ngành địa phương và đặc biệt là với các sàn thương mại điện tử đang hợp tác với các cơ quan trong đó có Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn gặp phải khi từng bước chuyển mình sang hình thức phân phối hiện đại.

Những tháng cuối năm là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng cao, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang làm việc chặt chẽ với các Sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành để tiếp tục tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá Việt nói chung và nông sản nói riêng, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân bước vào giai đoạn bình thường mới.

Có thể nói, sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang được kỳ vọng sẽ là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho các mặt hàng nông sản của các địa phương và người nông dân trong khoảng thời gian dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp hiện nay. 

Tuần lễ “Nông sản Việt” kết thúc vào 29/10

Nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử được tiêu thụ từ đầu năm đến nay, trong những tháng cuối năm này Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng các sàn thương mại điện tử, các đối tác vận hành thương mại điện tử khác tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương vào mùa trên môi trường trực tuyến. 

Ví dụ như chương trình Tuần Lễ Nông Sản Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo với các loại trái cây của các tỉnh, thành như phía Nam được khởi chạy từ ngày 19 -  29/10/2021.

Trong tháng 10/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo lên phương án tiếp tục đẩy mạnh cho Tuần lễ nông sản Việt trực tuyến. Chương trình có ba loại nông sản đặc sản vào mùa lần lượt được bán trên sàn Sendo trong chương trình “Tuần lễ nông sản Việt - Miễn phí vận chuyển”, bao gồm Hồng Giòn đặc sản Lâm Đồng, Dưa lưới đặc sản Bình Phước và Xoài cát chu vàng đặc sản Đồng Tháp. Với cả 3 loại nông sản này, người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh khi đặt mua sẽ được hưởng mức giá ưu đãi giảm đến hơn 30% so với giá thị trường; đặc biệt, vào thời điểm vàng mở bán mỗi loại nông sản trên sàn thương mại điện tử Sendo, giá sẽ còn giảm sâu đến gần 40%.

Với sự hỗ trợ kết nối của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số, Bộ Công Thương và các ban ngành địa phương, các sản phẩm nông sản bán trên Sendo luôn được khai thác trực tiếp từ vườn trồng của hợp tác xã, hộ kinh doanh để có mức giá tốt nhất cho người mua và lợi nhuận tốt nhất cho nông dân. Trong Tuần lễ nông sản Việt lần này, mức giá các sản phẩm ưu đãi mang ý nghĩa như một lời động viên, một sự chung sức của sàn thương mại điện tử Sendo gửi đến người dân các tỉnh, thành phố và bà con nông dân từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sau một mùa dịch kéo dài. 

Hương Anh (tổng hợp) 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.