Khó khăn logistics làm chậm đà phát triển của hợp tác xã

Khó khăn logistics làm chậm đà phát triển của hợp tác xã

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 25/08/2022 07:00

Việc cơ sở hạ tầng giao thông trong nước chưa phát triển là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc giảm chất lượng nông sản, còn HTX và người dân giảm lợi nhuận.

Năng lực vận chuyển nông sản chưa phát huy hết công suất

Trao đổi với VNBusiness, bà Lò Thị Thủy, Giám đốc Hợp tắc xã (HTX) rau an toàn Vạn Phúc (Sơn La) chia sẻ, hiện HTX đã liên kết với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua rau về chế biến nhưng khó khăn hiện nay là vận chuyển hàng hóa ở địa phương theo hình thức đường bộ là chủ yếu.

Không dừng lại ở đó, tỷ lệ đường bộ được rải nhựa và bê tông xi măng toàn tỉnh vẫn chưa cao. Đường nào đã đổ bê tông thì chủ yếu là một làn nên năng lực thông quan tương đối thấp. Còn một số tuyến đường ở xã, bản hầu như vẫn là đường đất, nhiều đèo dốc nguy hiểm... dẫn đến năng lực vận chuyển nông sản chưa phát huy hết công suất.

“Nếu vận chuyển rau màu bằng các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước, tải trọng lớn như xe container, xe đầu kéo thì khó tiếp cận sâu vào hệ thống đường giao thông nông thôn đến khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu của HTX... Còn vận chuyển bằng xe nhỏ thì gia tăng chi phí, gia tăng quá trình tháo dỡ nông sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng”, bà Thủy nói.

Thực tế hiện nay, không chỉ hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các vùng nguyên liệu vẫn chưa được chú trọng đầu tư, mà hầu hết hệ thống giao thông vùng miền núi, vùng sâu vùng xa trên cả nước vẫn chưa được đầu tư, kết nối đồng bộ nên chưa tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển hàng hóa, từ đó hạ giá trị và giảm sức cạnh tranh của nông sản với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Kinh tế vĩ mô - Khó khăn logistics làm chậm đà phát triển của hợp tác xã

Đường xa, hệ thống giao thông chưa phát triển khiến người dân phải vận chuyển nông sản theo cách thô sơ, nhỏ lẻ.

Chính vì vậy mà dù dù liên kết được với các hộ dân xây dựng thành công các vùng nguyên liệu quy mô lớn cũng như liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi nhưng khi đến mùa vụ thu hoạch, HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm đi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Ngọc Lưu, Giám đốc HTX chế biến nông sản Hà Giang (Hà Giang) cho biết mỗi khi thuê xe chở hàng, nhất là khi vào chính vụ, HTX đều bị ép giá cao hơn những địa phương có đường giao thông thuận lợi. Điều này dù không mong muốn nhưng HTX buộc phải chấp nhận vì không thuê xe với giá cao thì đồng nghĩa nông sản không được vận chuyển, gây chậm mùa vụ.

Không những thế, hạ tầng logistics kém phát triển cũng đang tạo điểm nghẽn cản trở hàng hoá của HTX, doanh nghiệp tiến ra bên ngoài. Chẳng hạn như cước vận chuyển nông sản tươi bằng đường hàng không từ Việt Nam sang Mỹ hiện ở mức khoảng 7 USD/kg. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển của HTX không chỉ dừng ở đó mà phải thêm một khoản tiền vận chuyển nông sản từ các tỉnh, thành vào TP.HCM hoặc các tỉnh Đông Nam Bộ với thời gian ít nhất là 3-5 tiếng làm ảnh hưởng tới mẫu mã, chất lượng nông sản.

Theo các chuyên gia, hạ tầng logistics về vận tải, kho bãi trên cả nước đã có thay đổi nhưng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Đa số các cảng biển hiện nay chưa được xây dựng để phục vụ bốc dỡ hàng hóa tàu biển chuyên dụng, chỉ có ít cảng kết nối với các cảng biển châu Âu hoặc Mỹ… Trong khi đó, nông sản có đặc thù về chất lượng nên cần bảo quản, vận chuyển theo phương thức riêng, phù hợp

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 2 vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại có cơ sở hạ tầng logistics rất yếu khi không có đường sắt. Hệ thống cao tốc dù có nhưng rất ít và không tiếp cận được cảng biển nước sâu. Điều này khiến tất cả nông sản, hàng hóa phải chuyển về Tp.HCM trước khi đưa ra thị trường quốc tế.

Hay ngay như mới đây, Trung Quốc đã xây đường sắt cao tốc chạy thẳng sang Lào, sắp tới sẽ nối với Campuchia và Thái Lan, từ đó mở đường cho nông sản Lào, Campuchia, Thái Lan ào ạt sang Trung Quốc. Hiện, cũng đã có tuyến đường sắt Hà Nội - Trùng Khánh - Matxcơva (Nga) nhưng do điều kiện địa lý và cơ sở hạ tầng nên tuyến đường sắt từ Hà Nội sang Trung Quốc vẫn có giá cao hơn nhiều so với tuyến Lào - Trung Quốc. Điều này chưa giúp HTX, doanh nghiệp tối ưu được chi phí khí xuất khẩu.

Mở rộng đường giao thông, chú trọng cơ sở hạ tầng 

Thực chất, trong sản xuất nông nghiệp, logistics gắn với hầu hết các công đoạn trong chuỗi giá trị, từ vận chuyển nguyên liệu đầu vào, đến thu hoạch, bao tiêu… Tuy nhiên, trước thực trạng trên, hầu hết các HTX đều mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường giao thông, các hệ thống hạ tầng từ đường bộ đến đường biển, hàng không… nhằm đảm bảo vận chuyển nông sản thuận lợi, an toàn, tiết kiệm cả thời gian, chi phí.

Với mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị nông sản nhờ sự góp sức từ logistics, ông Hải cho rằng chỉ tính riêng Đồng bằng sông Cửu Long đang chiếm 65% khối lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đối với trái cây là 70%, gạo là khoảng 80-90%. Chính vì vậy, nếu đầu tư được cảng nước sâu ngay tại vùng này thì lúa gạo, trái cây, thủy sản của người dân, HTX cũng sẽ có lợi thế rất nhiều, không phải oằn mình gánh phí logistics như hiện nay vì phải vận chuyển vòng vèo.

Hay như ở Tây Nguyên, nếu như đầu tư xây dựng được cao tốc nối thẳng các tỉnh, thành ở khu vực này xuống các cảng nước sâu dọc miền Trung thì nông sản, nhất là các loại nông sản thế mạnh như cà phê, hồ tiêu,… từ vùng này xuất khẩu sẽ có giá cạnh tranh hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng đội tàu chở container để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong tình hình giá vận tải biển hiện nay vẫn đang ở mức cao. Đây là điểm yếu về logistics mà các cơ quan quản lý cần phải chú trọng.

Còn theo ông Đặng Đình Long, Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Mega A, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đi tiêu thụ.

Kinh tế vĩ mô - Khó khăn logistics làm chậm đà phát triển của hợp tác xã (Hình 2).

Logistics liên quan đến hầu hết các giai đoạn của chuỗi nông sản nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng một cách thích đáng để người dân, HTX giảm chi phí, tăng được nguồn thu từ sản phẩm mình làm ra.

Việc đầu tư các tuyến đường đến trung tâm xã, vào các khu sản xuất nông nghiệp cũng rất cần quan tâm để giảm chi phí và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân, HTX lưu thông hàng hóa nông sản...

Bên cạnh đó, với nông sản có đặc thù cần bảo quản, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư xây dựng các kho lạnh, kho mát và trung tâm sơ chế nông sản cũng như các trung tâm cứu hộ.

“Hiện nay, nhiều địa phương chưa có trung tâm cứu hộ đường bộ mà chỉ có một số phương tiện cứu hộ cá nhân mang tính tự phát nên quá trình vận chuyển hàng hóa, nông sản sẽ thêm khó khăn, nhất là khi gặp sự cố”, ông Long chia sẻ.

Đẩy mạnh liên kết vùng 

Đánh giá chung về thực trạng dịch vụ logistics ở vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những đạt được thì dịch vụ logistics của vùng vẫn còn những hạn chế. Đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất nhập khẩu, DN logistics hiệu quả còn thấp, chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Ngoài ra, việc tắc nghẽn về giao thông, hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu sự hợp tác liên kết vùng, là những “nút thắt” trong phát triển logistics của vùng Đông Nam Bộ.

Vì vậy, để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, việc hoàn thiện quy hoạch các tỉnh, thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 phải phù hợp với định hướng quy hoạch quốc gia.

Cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và logistics là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống logistics, nhất là liên kết về hạ tầng giao thông, hệ thống lưu chuyển hàng hóa đến các trung tâm logistics và liên kết các DN sản xuất - xuất nhập khẩu với DN logistics.

Tạo bước đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, đồng thời khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã ký kết. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Hương Anh (tổng hợp) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.