Sinh ra và lớn lên ở thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), anh Thái Duy Đức cho biết, bố anh mất từ khi anh chưa đầy 2 tuổi, mẹ một mình gồng gánh nuôi anh và chị gái đến khi trưởng thành.
Học chưa hết lớp 10, anh Đức nghỉ học giữa chừng, đi làm thuê hết công việc này đến công việc khác, từ phụ việc quán cà phê, xưởng gỗ lũa, đến phụ xây, làm công trình nhà kính… Tuy nhiên, làm được bao nhiêu anh cũng tiêu hết, không để ra được đồng nào.
Năm 2015, khi tròn 24 tuổi, trong một lần sửa chữa một số hạng mục của công trình, anh bị trượt chân và rơi xuống đất ở độ cao gần 8 mét. Gãy tay, gãy cột sống, dập tuỷ và chữa trị hết khoảng 500 triệu đồng. Mọi tài sản có giá trị trong nhà do mẹ anh tích luỹ, dành dụm cả đời đều phải bán hết.
Mặc dù bị liệt cả hai chân vì tai nạn nhưng anh Đức đã vực dậy tinh thần, nỗ lực khởi nghiệp.
Mất khoảng hơn 2 năm, anh Đức dần thoát ra được ám ảnh sau tai nạn, tham gia các hoạt động cộng đồng. Từ đó, anh đã mở lòng, có thêm các mối quan hệ khác. Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn hơn như liệt cả tứ chi, anh thấy mình còn may mắn, vẫn còn có đôi tay và vẫn có thể đi lại bằng xe lăn, anh vượt qua mặc cảm, quyết định tìm một công việc gì đó để có thể kiếm tiền.
Đặc biệt, năm 2018, khi tham gia các hoạt động xã hội, anh Đức tình cờ quen biết chị Bùi Thị Chinh (quê ở Tam Nông, Phú Thọ). Sau khi tìm hiểu và đi đến kết hôn, anh lại càng thôi thúc bản thân mình phải khẳng định bản thân, kiếm ra tiền, làm chỗ dựa vững chắc cho vợ và con.
Lựa chọn gỗ lũa làm sản phẩm phát triển kinh tế, anh Đức đã mang về nguồn thu nhập ổn định.
Trong một lần đến nhà bạn chơi, được bạn cho mấy khúc gỗ lũa, anh nhớ đến thời gian trước khi tai nạn, anh từng làm cho một xưởng chuyên về gỗ lũa nên cầm về, vệ sinh sạch sẽ, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, không ngờ, có người hỏi mua luôn. Thấy vậy, anh Đức quyết định tập tành buôn bán, chế tác các loại gỗ lũa.
Tự lên mạng tìm hiểu, mày mò, đến các vùng đồng bào Ê-đê hay các chỗ có gỗ lũa để mua, có khi, anh Đức phải chạy xe hàng trăm cây số, quên cả mình là người khuyết tật để tìm mua gỗ lũa.
Các sản phẩm từ gỗ lũa được anh Đức bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Mua được gỗ về, anh lại cặm cụi làm sạch, cắt, cưa, ghép nối thành những sản phẩm theo yêu cầu của khách. Mặc dù phải ngồi xe lăn, tự mình khuân vác những khúc gỗ nặng hàng chục kg nhưng anh luôn cố gắng làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng, nâng tầm sản phẩm.
Từ những khúc gỗ vô tri, anh Đức đã tạo nên những sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Gỗ lũa anh làm ra phục vụ trang trí nhà cửa, hồ cá thuỷ sinh, ghép lan… mang về thu nhập từ 10-30 triệu đồng/tháng.
Gỗ lũa sử dụng trong hồ cá thuỷ sinh.
Không chỉ có thu nhập ổn định, là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, anh Đức còn dư dả, tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ, cùng góp với mẹ để xây nhà mới, khang trang hơn.
“Mặc dù bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn để làm việc, công việc làm gỗ lũa cũng rất bụi bặm nhưng tôi chưa bao giờ lấy chữ khuyết tật để bán hàng. Bởi vì, nếu tiếp cận khách hàng bằng lòng thương, họ sẽ chỉ thương môt lần, mua một lần. Nếu mình tạo được những thứ họ cần, có giá trị, chất lượng thì khách sẽ luôn yêu thương và ủng hộ mình”, anh Đức bày tỏ.
Nhờ có tình yêu đặc biệt của vợ, anh Đức dần bước ra khỏi mặc cảm, khẳng định bản thân mình.
Theo anh Đức, tai nạn năm đó đã lấy đi đôi chân của anh nhưng lại bù đắp cho anh một tổ ấm, có môt người vợ xinh đẹp và lành lặn, sẵn sàng từ bỏ công việc ổn định đang làm để vào tận Lâm Đồng cùng anh lập nghiệp. Cũng từ biến cố đó, anh đã trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và là chỗ dựa vững chắc cho những người thân yêu.
Hồng Cảnh