Ngôn ngữ cũng như xã hội, khi xã hội phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển theo, do đó không thể so sánh hay đưa những quan điểm từ những năm 2000 hay trước đó nữa để rồi, người thiệt thòi nhất là học sinh.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đang nhầm lẫn
Như Người Đưa Tin đã đưa, trong bức thư ngỏ của thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới đây đã nêu vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) không dạy âm P (âm pờ), chữ P ghép với các nguyên âm đứng đằng sau nó.
Trả lời báo chí, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức đã không có cách giải thích hợp lý thể hiện cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về vấn đề trên thậm chí cách giải thích của PGS.TS Hùng đang có sự nhầm lẫn, thậm chí là nguỵ biện.
Trao đổi với Người Đưa Tin, trước hết thầy Đào Quốc Vịnh phân tích về mặt học thuật: “Trong phần trả lời, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đã viện dẫn cuốn ngữ âm tiếng việt của Giáo sư Đoàn Thiện Thuật.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đã quên mất rằng Giáo sư Đoàn Thiện Thuật nói phụ âm P, khi đứng trước nguyên âm để mở đầu âm tiết (như “pa” trong “pa nô”, “Pắc” trong “Pắc Bó”) thì gọi là phụ âm đầu. Khi phụ âm P đứng sau nguyên âm để kết thúc âm tiết thì gọi là phụ âm cuối. Phụ âm đầu và phụ âm cuối là những âm vị khác nhau.
Dạy phụ âm đầu P thì phải lấy ví dụ chữ P đứng đầu của vần hoặc của từ đó. Ví dụ “pa nô”, thì ví dụ dạy P này mới đúng”.
“Nếu lấy ví dụ “ắp” chẳng hạn thì P ở đây lại là phụ âm cuối PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đã nhầm lẫn cái đó”, thầy Vịnh giải thích thêm.
Thầy Vịnh cũng quan ngại rằng, cái nhần lẫn chữ “P” này của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng có thể kéo sang chữ Y. Trong bài dạy Y mà lấy từ khóa là “đá quý” thì rất phức tạp Những từ khóa chính xác nhất khi dạy cho học sinh chữ Y thì phải là “Y tế, Y tá, Y tế, Ý nghĩ”. Chữ “NGH” đã được dạy trước bài chữ “Y” 10 bài, hoàn toàn có thể lấy từ khóa là “ý nghĩ”.
Từ những phân tích về mặt học thuật nêu trên, theo thầy Vịnh, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đang đánh đồng 2 bộ phận ở đằng trước và đằng sau của một âm tiết cho nên dẫn tới dạy theo kiểu này, từ dạy chữ P đến dạy các chữ khác là vì như thế. Còn chữ P, nếu nói đúng ra thì chữ P ghép với chữ H tạo thành chữ “Ph” và âm “Ph”.
Vị Hiệu trưởng trường Tô Hiến Thành cho rằng, trong tiếng Việt hai chữ ghép với nhau tạo thành một âm, nhưng hai âm ghép với nhau thì không thể tạo thành âm trong ngôn ngữ được. Trong âm nhạc người ta có thể để nhiều âm phối khí với nhau tạo ra âm thanh khác, nhưng trong ngôn ngữ hai chữ ghép với nhau tạo thành một âm chứ không phải hai âm ghép với nhau tạo thành một chữ”.
Không dạy âm P như nhiều phản ánh là một sai lầm quan nghiêm trọng
Đồng quan điểm với thầy Đào Quốc Vịnh, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông một lần nữa khẳng định việc "Không dạy chữ P như nhiều phản ánh là một sai lầm quan nghiêm trọng".
Ông cho rằng, trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm học tiếng Việt từ cuối thế kỷ trước, âm p được coi là âm mượn từ nước ngoài. Nói cách khác, người ta quan niệm đó là âm không có trong tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi - môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh. Nhưng đó là nhìn nhận p với tính chất là phụ âm đầu.
Trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt, còn có âm p còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục). Đặc biệt, nó có mặt trong nhiều từ láy như: chiêm chiếp, thiêm thiếp,...
Trên phương diện từ vựng, vào thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu cho thấy, các từ có âm p mở đầu tồn tại rất ít. Đó là các từ như: pinh pông (bóng bàn), pô pơ lin, pê ni xi lin,… Nhưng đến nay, số lượng các từ có âm p từ nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng lên và trở nên phổ biến trong đời sống hằng ngày.
Việc không dạy âm p trong sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối là chủ trương không đúng và lạc hậu với tình hình. Việc chỉ giới thiệu các từ có phụ âm cuối p là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu.
"P là một phụ âm vẫn được sử dụng hằng ngày trong ngôn ngữ các dân tộc. Quan niệm p là một âm mượn từ tiếng nước ngoài không phù hợp với thực tế vì rất nhiều địa danh bắt nguồn từ một số tiếng dân tộc thiểu số là địa danh chính thức của nước ta, được ghi trong các văn bản của Nhà nước, do đó đã đi vào tiếng Việt đã khá lâu và tham gia vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt như một yếu tố không thể thiếu của hệ thống. Do vậy, việc dạy phụ âm đầu P và chữ P phải được quan tâm một cách bình đẳng với các âm và chữ khác khi dạy tiếng Việt cho học sinh.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cũng khẳng định thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là giáo viên ở cơ sở, ý kiến của thầy rất chính đáng và cần được tôn trọng vì thầy là người sát với thực tế nhất.
Rất nhiều lỗi sai mà Nhà xuất bản GDVN chưa lắng nghe
Thời gian vừa qua, Bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của Nhà xuất bản giáo dục đã được nhiều chuyên gia, giáo viên cũng như dư luận chỉ ra rất nhiều lỗi sai, tuy nhiên theo các chuyên gia Nhà xuất bản giáo dục vẫn chưa có động thái rõ ràng và dựt khoát cho việc sữa chữa hay bổ sung khiến cho dư luận hết sức lo lắng đặc biệt là các bận phụ huynh có con đang học bộ sách nhà.
Thầy Vịnh dẫn chứng: “Sai sót thứ nhất là không dạy các em Học sinh Lớp 1 viết hoa.
Sai sót thứ hai là viện dẫn, trích dẫn bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh là một bài rất hay, nổi tiếng đang được dạy trong chương trình lớp 8, một bài dài đã gọt đi thành một đoạn khoảng hơn 10 câu dẫn đến không chuyển tải được hết sự hay, tinh túy của văn chương cho các em học sinh lớp 1.
Không những thế còn nặng cho sự hiểu biết, sự tiếp thu của các em lớp 1 khi các em mới vào học ở trường Phổ thông.
Cho đến bây giờ Nhà xuất bản giáo dục hứa sẽ sửa chữa nhưng vẫn chưa sửa chữa”.
Bên cạnh đó, thầy Vịnh cũng chia sẻ thật: “Sách giáo khoa đấy không phải là dạy 1 năm mà phải dạy ít nhất 18 đến 20 năm tức là 18-20 thế hệ học trò. Bởi vậy, các em phải được học những cuốn sách tử tế. Tại sao họ lại không sửa chữa triệt để? Phải chăng Nhà xuất bản giáo dục là “con đẻ” của Bộ Giáo dục & Đào tạo nên không làm? Khi bộ sách có vân đề, không phải là giải thích để dư luận xuôi đi”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nhà xuất bản giáo dục cần lắng nghe, cần chịu trách nhiệm và nhìn thẳng vào vấn đề để sữa chữa. Theo như Luật giáo dục, ngoài Tổng Biên tập, Chủ biên, người viết sách phải chịu trách nhiệm trước các lỗi sai thì Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Quốc gia về thẩm định sách giáo khoa cũng phải chịu trách nhiệm.
Công Luân