Không nên chờ đợi vào vắc-xin mới cho trẻ đến trường

Không nên chờ đợi vào vắc-xin mới cho trẻ đến trường

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 10/11/2021 14:45

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trẻ em trực tiếp.

“Các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học”

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), nêu thực trạng cử tri phản ánh một số tỉnh, thành phố hiện nay người lớn đã trở lại làm việc bình thường, trẻ em vẫn chưa được đến trường, cử tri cho rằng thận trọng quá mức cần thiết. Chưa đánh giá hết những thiệt thòi của việc học sinh phải học trực tuyến nhiều tháng nay và những khó khăn của gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn của Bộ Y tế, đề nghị Bộ trưởng cho biết phản ánh của cử tri về sự thận trọng quá mức cần thiết như trên có đúng hay không?

Tiêu điểm - Không nên chờ đợi vào vắc-xin mới cho trẻ đến trường

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trả lời câu hỏi nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương, trong đó có một số vấn đề.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trẻ em trực tiếp. “Như lớp 1 hay những bậc tiểu học chúng tôi đã có chỉ đạo này. Thêm nữa, đã có hướng dẫn đối với các địa phương triển khai biện pháp đối với các trường học, để bảo đảm làm sao chúng ta vừa học, vừa đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Theo lãnh đạo ngành Y tế, không nên đợi chờ vào vấn đề vắc-xin, bởi vì vắc-xin chúng ta chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. "Vậy trẻ từ 5 tuổi, 6 tuổi cho đến 11 tuổi chúng ta không thể đợi chờ vắc-xin được. Chúng ta cũng thấy những rủi ro ở những lứa tuổi này không cao như những tuổi lớn. Vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khuyến cáo đối với các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học và nhất là những cái vùng, xã, huyện ở cấp độ 1 và cấp độ 2”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, những huyện, những tỉnh ở cấp độ 1 và cấp độ 2 trong Nghị quyết 128 nêu rất rõ cấp độ 1 là đi học bình thường, nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ có 22 địa phương có kế hoạch này. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong tới đây chúng ta sẽ triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả hơn.

Vắc-xin tiêm cho trẻ không ảnh hưởng đến sinh sản

Quan tâm về vấn đề tiêm vắc-xin cho trẻ, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho biết, hiện nay, chúng ta đang triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vắc-xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vắc-xin đại trà cho trẻ em từ 12-17 tuổi để cử tri yên tâm?

Tiêu điểm - Không nên chờ đợi vào vắc-xin mới cho trẻ đến trường (Hình 2).

Quang cảnh phiên họp.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.

Đối với việc tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vắc-xin theo công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em bằng sản xuất theo công nghệ này.

“Cách làm của các nước cũng giống như chúng ta, tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. vắc-xin sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vắc-xin của Pfizer-BioNTech”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Về cơ chế tác động của vắc-xin này, khi vào trong cơ thể không phải xâm nhập vào gen của người mà sẽ xâm nhập vào bào tương kết hợp với các ribosome để sản xuất các kháng thể tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào đó.

“Tức là vắc-xin này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gen AND của chúng ta nên ý kiến cho rằng tiêm vắc-xin có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không có, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Loại vắc-xin thứ hai được sử dụng theo công nghệ vắc-xin bất hoạt, tức là công nghệ vắc-xin của sinopharm, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn thì người ta cũng đánh giá đảm bảo an toàn khi tiêm cho trẻ em.

“Tôi khẳng định, tất cả các vắc-xin đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới. Chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vắc-xin này dùng cho trẻ em”, Bộ trưởng cho hay

Xem thêm: 

ĐBQH Nguyễn Thị Hà: “Giáo viên áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn"

Bao giờ có vắc-xin “made in Việt Nam”?

Cũng quan tâm đến vấn đề vắc-xin phòng Covid-19, ĐBQH Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) chất vấn về thời gian cụ thể vắc-xin Covid-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt và đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ánh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước có hai đơn vị đã tiến hành nghiên cứu và đã đến giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Vấn đề về cấp phép theo đúng các quy định, quy trình và trên một nguyên tắc là Bộ Y tế chỉ cắt ngắn những thủ tục về mặt hành chính, còn về mặt chuyên môn, khoa học, an toàn là phải tuân thủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế hết sức quan tâm và mong muốn chủ động được nguồn vắc-xin trong nước. Tuy nhiên, việc cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng: Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép. Các hội đồng này hoạt động độc lập với Bộ trưởng. Được biết, thời gian qua các hội đồng đã phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo quy định.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.