Không quân Ukraine thừa nhận “bó tay” trước tên lửa đạn đạo Iran

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 02/11/2022 15:57

Iran bị cáo buộc đang chuẩn bị “tuồn” cho Nga thêm nhiều máy bay không người lái (drone) tấn công và cả tên lửa đạn đạo để Nga sử dụng ở chiến trường Ukraine.

Lực lượng Không quân Ukraine hôm 1/11 thừa nhận họ hiện không có biện pháp phòng thủ hiệu quả trước các loại tên lửa đạn đạo mà Iran được cho là đang chuẩn bị chuyển tới Nga để sử dụng ở Ukraine.

Ông Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, cho biết tầm bắn lên tới 300-700 km của tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất sẽ cho phép các lực lượng Nga tấn công bất cứ nơi nào bên trong Ukraine.

“Có khả năng cao là chúng sẽ được chuyển đến khu vực biên giới phía Bắc đất nước, từ đó chúng có thể được triển khai để đe dọa toàn bộ lãnh thổ Ukraine”, ông Ihnat cho biết trong một cuộc họp báo ở thủ đô Kiev hôm 1/11.

Trước đó, CNN đưa tin Iran đang chuẩn bị gửi thêm khoảng 1.000 vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái (drone) tấn công hơn để Nga sử dụng chống lại Ukraine.

Khi được hỏi liệu các lực lượng Ukraine đã sẵn sàng chống lại những loại tên lửa đạn đạo này của Iran hay chưa, ông Ihnat trả lời rằng họ “sẽ thực hiện tất cả các biện pháp và phương tiện bảo vệ chống lại những tên lửa này” mà họ có thể.

Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Hiện tại chúng tôi không có biện pháp phòng thủ hiệu quả nào chống lại những tên lửa này. Về mặt lý thuyết, có thể bắn hạ chúng, nhưng rất khó thực hiện với phương tiện chúng tôi hiện có”.

“Chúng tôi có các hệ thống phòng không, nhưng không phải phòng thủ tên lửa”, ông bổ sung.

Vị phát ngôn viên Ukraine cho biết ông tin rằng Nga đang nhận được từ Iran các tên lửa đạn đạo để tăng cường nguồn cung tên lửa Iskander-M do Nga chế tạo đang ngày càng cạn kiệt.

Thế giới - Không quân Ukraine thừa nhận “bó tay” trước tên lửa đạn đạo Iran

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám chạy tại cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone), ngày 31/10/2022. Ảnh: The Guardian

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 1/11 rằng Iran có kế hoạch gửi một lô hơn 200 máy bay không người lái (drone) chiến đấu tới Liên bang Nga vào đầu tháng 11.

Theo thông tin của tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, lô vũ khí này sẽ bao gồm các mẫu drone chiến đấu Shahed-136, Mohajer-6 và Arash-2, và “sẽ được chuyển qua Biển Caspi đến cảng Astrakhan”. Các drone sẽ được tháo rời khi vận chuyển và sẽ được các lực lượng Nga lắp ráp lại và sơn lại với các ký hiệu của Nga, cụ thể là “Geranium-2”.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết kể từ ngày 13/9, các lực lượng của Kiev đã bắn hạ hơn 300 drone chiến đấu, biệt danh “sát thủ cảm tử” (kamikaze) nghi do Iran sản xuất.

Iran đã nhiều lần phủ nhận việc bán vũ khí cho Nga để sử dụng ở chiến trường Ukraine.

Mỹ cử chuyên gia vũ khí tới Ukraine

Lầu Năm Góc thông báo tuần này rằng họ sẽ cử các chuyên gia vũ khí tới Ukraine để giám sát vũ khí do Mỹ cung cấp đang được sử dụng trong cuộc chiến chống lại Nga.

Nhóm chuyên gia này nằm trong số những thành viên quân đội Mỹ đầu tiên có mặt tại quốc gia Đông Âu, ngoài những nhân viên an ninh tại Đại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự.

Tổng thống Biden đã cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ không tham chiến ở Ukraine, nhưng thông báo của Lầu Năm Góc được đưa ra khi một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ - đặc biệt là các đảng viên Cộng hòa - đang kêu gọi tăng cường giám sát hàng tỷ USD vũ khí mà Washington viện trợ.

Các hoạt động giám sát vũ khí đang được dẫn dắt bởi Chuẩn Tướng Garrick Harmon, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Ukraine, với sự hỗ trợ của Văn phòng Hợp tác Quốc phòng của Đại Sứ quán Mỹ ở Kiev.

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói với các phóng viên hôm 31/10 rằng họ không thấy “bằng chứng đáng tin cậy về việc chuyển hướng vũ khí do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức sâu sắc về nguy cơ vũ khí bị chuyển hướng bất hợp pháp và đang chủ động thực hiện tất cả các bước có thể để ngăn chặn điều này xảy ra”.

Thế giới - Không quân Ukraine thừa nhận “bó tay” trước tên lửa đạn đạo Iran (Hình 2).

Bản đồ đánh giá tình hình thực địa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tính đến ngày 1/11/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Bộ Quốc phòng Mỹ chưa cho biết có bao nhiêu chuyên gia vũ khí ở Ukraine hoặc họ sẽ hoạt động ở khu vực nào, nhưng Chuẩn Tướng Pat Ryder, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, cho biết hôm 1/11 rằng “các nhân viên Đại Sứ quán” sẽ “không tham gia bất kỳ hoạt động nào trên tiền tuyến”.

Ông Ryder cũng cho biết, các cuộc kiểm tra đã “được tiến hành trong một thời gian”, nhưng không cho biết khi nào các chuyên gia vũ khí đến Ukraine.

Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh gần 20 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 1/2021, bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa giúp Kiev đối phó với sức mạnh quân sự vượt trội của Nga.

Ông Putin nêu điều kiện nối lại thỏa thuận ngũ cốc

Tổng thống Vladimir Putin nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong một cuộc điện đàm hôm 1/11, về các điều kiện để Moscow xem xét nối lại thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển của Ukraine.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi Nga đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do những gì họ cho là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) nhằm vào Hạm đội Biển Đen Nga ở Sevastopol, bán đảo Crimea. Nga đổ lỗi cuộc tấn công cho Ukraine.

Ông Putin nói với ông Erdogan rằng Nga muốn “một cuộc điều tra chi tiết về vụ việc này, và sau khi nhận được sự đảm bảo thực sự từ Kiev về việc tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận đạt được ở Istanbul, đặc biệt là về việc không sử dụng hành lang nhân đạo cho mục đích quân sự”, theo một tuyên bố từ Điện Kremlin.

Kiev đã không nhận trách nhiệm đối với vụ việc ở Crimea và phủ nhận việc sử dụng hành lang vận chuyển ngũ cốc an toàn cho mục đích quân sự.

Thế giới - Không quân Ukraine thừa nhận “bó tay” trước tên lửa đạn đạo Iran (Hình 3).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA) tại Astana, Kazakhstan, ngày 13/10/2022. Ảnh: Anadolu Agency

Thế giới - Không quân Ukraine thừa nhận “bó tay” trước tên lửa đạn đạo Iran (Hình 4).

Các tàu thương mại là một phần của thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen chờ đi qua eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. Ảnh: NYT

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 7 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực thế giới một phần do xung đột Nga-Ukraine. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 19/11.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu hàng đêm hôm 1/11, cho rằng hành lang xuất khẩu ngũ cốc này cần một biện pháp bảo vệ lâu dài và đáng tin cậy, và thế giới phải phản ứng kiên quyết trước bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm phá vỡ hành lang đó.

Điện Kremlin nói về việc doanh nhân Nga từ bỏ quốc tịch Nga

Hai ông trùm tài chính Nga Oleg Tinkov và Nikolay Storonsky được quyền từ bỏ quốc tịch Nga vì họ thực tế không kinh doanh gì ở nước này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 1/11.

“Đó là quyền của họ”, ông Peskov cho biết. “Thực ra, họ không kinh doanh gì ở Nga, theo như tôi biết. Nói cách khác, họ thực tế không tham gia vào các hoạt động kinh tế ở đất nước chúng tôi”

Trước đó, hôm 31/10, ông Tinkov đã công khai quyết định từ bỏ quốc tịch Nga. Ngoài ra, người sáng lập ngân hàng Tinkoff còn viết trên tài khoản Instagram của mình rằng ông đã bắt đầu quá trình thu hồi thương hiệu Tinkoff – thương hiệu gắn liền với tên ông. Cơ quan dịch vụ báo chí của ngân hàng nói với hãng thông tấn Nga TASS rằng họ nắm giữ tất cả các quyền đối với thương hiệu Tinkoff.

Bản thân doanh nhân Tinkov đã bị Anh đưa vào danh sách trừng phạt vào cuối tháng 3, theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tinkoff Bank là một trong những ngân hàng số độc lập lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất thế giới.

Cũng có thông tin cho rằng ông Nikolay Storonsky, một doanh nhân người Anh gốc Nga, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của công ty công nghệ tài chính Revolut, cũng đã từ bỏ quốc tịch Nga của mình.

Minh Đức (Theo CNN, Al Jazeera, The Guardian)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.