Sáng nay (9/2), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc tại đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội với UBND thành phố và một số sở, ngành liên quan về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong rất nhiều điểm mới của Chương trình GDPT 2018, điểm mới quan trọng là tính nhất quán, thống nhất, hướng đích, “cứng” ở mục tiêu và chuẩn đầu ra. Các bộ sách khác nhau đều phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh, định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Cũng theo Bộ trưởng, chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học.
Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy “cứng” để xử lý các việc. Một trong những ví dụ về tư duy “rất cứng” được Bộ trưởng chia sẻ là việc chuyển trường của học sinh.
Bộ trưởng cho biết: “Học sinh của chúng ta khi học hết THCS có thể sang học chương trình phổ thông của các nước trên thế giới. Nếu họ cũng đặt vấn đề không cho chuyển vì học sinh học thiếu một phần của phân môn chẳng hạn thì sẽ ra sao?
Chương trình phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn.
Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài, cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác, hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới”.
Cùng với đó Bộ GD&ĐT yêu cầu không có bất kỳ rào cản nào trong việc chuyển trường của học sinh, bởi chương trình là thống nhất và tất cả đều phải theo chương trình.
Với sự khác nhau của học sinh về lựa chọn môn học, theo Bộ trưởng, việc lệch môn có thể bù đắp được, vì học sinh học tập là lâu dài, học tập suốt đời. Công văn 68 hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT của Bộ GD&ĐT không khuyến khích chuyển sau một học kỳ vì để thuận tiện nhất cho người học. Để đến cuối năm, khi đó học sinh có thời gian hè để bù đắp kiến thức.
Đại diện ngành giáo dục cũng cho biết đừng nên đặt câu hỏi học sinh học kiến thức giáo dục địa phương này, sang tỉnh thành kia lại học giáo dục địa phương khác? Phần quan trọng nhất là hiểu biết về quốc gia, dân tộc, về lòng yêu nước, về tình nhân loại; còn địa phương trang bị cho sâu sắc, tinh tế thêm, giúp học sinh hoàn thiện.
“Đừng địa phương chủ nghĩa hóa cho một giáo dục quốc gia. Đừng bao giờ đặt rào cản các tỉnh thành, các địa phương, hay các trường học. Đó mới là tinh thần của chương trình này”, Bộ trưởng chia sẻ và yêu cầu học sinh cần được hỗ trợ khi có nhu cầu dịch chuyển. Điều đó cần được thực hiện với tinh thần giáo dục để học sinh tự bù đắp, tự hoàn thiện và thầy cô, trường học hỗ trợ. Tinh thần chỉ đạo nhất quán của Bộ GD&ĐT là như vậy và chính người trong ngành phải thông suốt.
Thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức sản xuất hơn 600 bài giảng trên truyền hình, giảng trực tiếp theo chương trình mà không theo bất kỳ một bộ sách giáo khoa nào. Từ đó nhấn mạnh lại một lần nữa “câu chuyện ám ảnh về sự khác biệt cần xóa bỏ”. Còn việc mỗi bộ sách giáo khoa có điểm mạnh, sở trường, người sử dụng cần tận dụng, phát huy được những điểm sở trường đó.