Kiến nghị 6 địa phương sau sáp nhập được chuyển tiếp áp dụng chính sách đặc thù

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 19/05/2025 11:22

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp.HCM, Cần Thơ, Đắk Lắk sau sáp nhập cấp tỉnh được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Sáng 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép các địa phương sau sáp nhập cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp.HCM và Cần Thơ) được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Kiến nghị 6 địa phương sau sáp nhập được chuyển tiếp áp dụng chính sách đặc thù- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Cho phép các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hoá những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, theo báo cáo, tính đến nay, cả nước có 10 địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, Tp.HCM và Cần Thơ) đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các Luật, Nghị quyết riêng của Quốc hội.

Sau sắp xếp bộ máy, sẽ có 6/10 địa phương nêu trên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến thànhphố Buôn Ma Thuột), Tp.HCM và thành phố Cần Thơ.

Chính phủ chỉ ra việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện dẫn đến thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý, địa vị pháp lý, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội,... của các địa phương.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định chuyển tiếp về việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định của quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại các địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương, mà theo đó sẽ có liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách (nguồn lực thực hiện, các chính sách thu, chỉ ngân sách Nhà nước).

Kiến nghị 6 địa phương sau sáp nhập được chuyển tiếp áp dụng chính sách đặc thù- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách bảo đảm giữ vững nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời, thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất) để điều chinh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hóa những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đánh giá, tổng kết để luật hóa, áp dụng cho tất cả các địa phương.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị, đối với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỉ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.