Sắc đỏ kéo xuân về
Dịp cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm nghệ nhân Sầm Văn Dừn, 73 tuổi – người giữ lửa cho làn điệu Sình ca ở vùng cao Mãn Hóa (xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Trong làn điệu Sình ca ngọt ngào, đầy say đắm của người dân tộc Cao Lan, ông Dừn kể cho chúng tôi nghe những “đặc sản” đón Tết mà chỉ nơi đây mới có. Ông Dừn bảo, mỗi dân tộc đều có những phong tục đón Tết độc đáo khác nhau, tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc muôn màu. Và người Cao Lan tại Sơn Dương cũng góp một màu đỏ rực rỡ vào bức tranh Tết ấy.
Cứ từ 25 tháng Chạp trở đi, người dân tộc Cao Lan bắt đầu nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa, gác lại mọi công việc để làm bữa cơm cuối năm. Sau đó, mỗi người trong gia đình sẽ kể cho nhau nghe một năm làm được gì, chưa hoàn thành việc gì để sang năm mới còn phải phát huy.
“Người Cao Lan chúng tôi mỗi khi Tết đến phải chuẩn bị gói bánh chưng nhọn ở hai đầu và không được làm vuông. Bánh chưng cái to cái nhỏ giống như bánh đực, bánh cái để cúng ông bà tổ tiên. Mấy ngày Tết dù đã ăn hết tất cả bánh chưng đã làm trước đó nhưng hai chiếc bánh thờ không được đụng đến, phải để lại qua ngày rằm.
Nhiều thế hệ cũng thắc mắc điều này nhưng chúng tôi chỉ biết giải thích rằng để lại bánh cũng giống như lưu truyền một điều gì đó cho năm mới. Ngoài ra, chúng tôi còn có bánh Chim gâu là bánh đặc trưng nhất. Bánh được làm từ chất liệu giống bánh chưng nhưng được gói giống hình con chim theo từng cặp tượng trưng cho hạnh phúc, hoà thuận, sung túc nên bánh này cũng được dùng trong lễ cưới của người Cao Lan”, ông Dừn kể lại.
Không chỉ bánh chưng là điều khác biệt đối với người Cao Lan tại Sơn Dương, mà nơi đây trong những ngày Tết còn dùng “sắc đỏ kéo xuân về”. Từ ngày 28 Tết trở đi, mỗi gia đình đều chuẩn bị nhiều miếng giấy đỏ để dán khắp nhà. Thường thì đàn ông trong gia đình sẽ cắn và dán giấy. Từ bàn thờ tổ tiên cho đến cánh cổng, cánh cửa, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên... mọi đồ đặc trong gia đình. Người Cao Lan dán giấy đỏ với mục đích để thông báo với khách rằng: Đây là đồ của gia đình nhà tôi.
Nói đến đây, ông Dừn chỉ vào những đồ dùng trong nhà ông và bảo: “Ngay cả chiếc tủ lạnh, bộ bàn ghế, ấm chén... cũng sẽ được dán giấy đỏ vào dịp Tết. Với chúng tôi, giấy đỏ thể hiện năm mới nhiều may mắn, làm ăn phát đạt và giấy đỏ cũng bảo vệ những đồ dùng trong gia đình.
Ngoài ra, đến 30 là mọi gia đình phải tự biết sắp xếp nồi niêu, dao, kéo ngay ngắn và để một đôi bánh chưng vào đó. Tối đến phải thắp một nén nhang để cảm ơn những đồ dùng này vì đã có công với gia đình sản xuất ra nhiều sản phẩm. Mình sử dụng chúng thì cũng phải cảm ơn chúng để sang năm còn cùng nhau tăng gia sản xuất”.
Phong tục dán giấy đỏ của người Cao Lan có từ lâu đời và đến bây giờ vẫn được lưu truyền, không có bất kỳ gia đình nào bỏ vì đây giống như một sự tôn vinh. Giấy đỏ còn tượng trưng cho một năm mới tốt lành, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Chính vì thế, vào những ngày cuối năm và sang năm mới khắp các bản người Cao Lan được điểm những sắc đỏ rực rỡ.
Đêm 30 đi lấy nước về cúng gia tiên
Ông Dừn kể thêm, không chỉ dán giấy đỏ để nhuộm xóm làng mà khi cúng Tết nhà nào cũng làm một bữa cơm sau đó đặt lên bàn thờ tổ tiên để trình báo. Mỗi chủ nhà sẽ làm thành 2 mâm cúng để riêng. Một mâm cúng ma tổ tiên là đàn ông, một mâm cúng ma phụ nữ là con dâu, em dâu... Với người Cao Lan thì chủ nhà sẽ tự cúng gia tiên để báo cáo với tổ tiên là năm cũ đã hết, chuẩn bị sang năm mới, cầu xin cho gia đình được mạnh khỏe, làm ăn được nhiều của cải... Sau khi cúng xong, gia đình sẽ ăn uống và chúc nhau sức khỏe, đi thắp nhang vào tất cả các chỗ đã dán giấy đỏ để báo hiệu đón Tết mới.
“Đến đêm Giao thừa, chủ nhà thường pha một ấm trà, rót ra chén, để ở các ban thờ mời tổ tiên. Nước pha trà có một điều đặc biệt rằng, đúng giờ sang canh năm mới, chủ nhà phải lấy nước ở giếng sâu hoặc và trong khe đá. Nước đó phải thật mới, trong veo, sạch sẽ như thể hiện được tấm lòng của chủ nhà.
Khi đi lấy nước thì người lấy phải thật thành tâm sau đó đốt giấy hoặc để vài đồng tiền rồi mới được mang nước về nấu để mời tổ tiên. Những việc làm này thể hiện tấm lòng tôn kính của chủ nhà với tổ tiên để cầu may, sức khỏe cho gia đình. Mong rằng gia đình năm mới sẽ phát tài phát lộc còn vận hạn thì tránh xa ra, xua tan rủi ro. Năm nào tôi cũng đại diện gia đình đi lấy nước về sau đó chính tay nấu và pha nước mời tổ tiên”, ông Dừn cho biết.
Lấy nước, mời trà là những phong tục của người Cao Lan, đây thường gọi là tục lệ cúng nước mới. Việc cúng nước mới đã xong, người Cao Lan tiếp tục chuẩn bị đồ cúng tổ tiên như bánh rán, cá nướng... điều này với quan niệm tổ tiên khi ngủ dậy cũng phải thực hiện vệ sinh cá nhân và uống nước trước khi dùng bữa, công việc này được hoàn thành trước khi trời sáng.
Nếu như các dân tộc khác ngày mùng Một đi chúc tụng chào hỏi nhau thì người Cao Lan ngày này hầu như đều ở nhà để “rước” lộc. Với họ, ngay cả những nhà sát vách, thân cận cũng tuyệt đối kiêng. Ông Dừn lại nói: “Người Cao Lan mùng Một sẽ không đến nhà nhau vì quan niệm khách đến sẽ làm ăn không may, mình có cái tốt thì mình phải giữ đã. Chúng tôi phải chờ sáng mùng Hai người lớn đi lễ thổ công về, chiều đi lấy lộc sau đó mới đi chơi, thăm nhà nhau. Mùng Ba thì bắt đầu đi chơi Tết với ông bà, anh em nội ngoại. Còn cây lộc được lấy về nhà cắm ở cổng nhà không được vứt đi vì như thế sẽ mất lộc. Mà chúng tôi để cây lộc ở đó đến khi nào héo khô, gió cuốn đi thì thôi”.
Ông Dừn luôn nhấn mạnh: Bánh chưng, giấy đỏ, nước mới là những điều không thể thiếu của người Cao Lan. Nhưng có một “đặc sản” cũng phải có trong những ngày Tết đó là điệu hát Sình ca. Khi gặp nhau, người Cao Lan sẽ hát Sình ca để chúc Tết nhau như một điệp khúc xuân tràn trên khắp các bản làng. Qua những làn điệu Sình ca, người Cao Lan cũng muốn gửi gắm đến nhau rằng, năm mới thật may mắn, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trao đổi với báo Người Đưa Tin ông Nguyễn Anh Hùng, cán bộ văn hoá xã Đại Phú cho biết: “Trên địa bàn xã Đại Phú có hơn 11 nghìn nhân khẩu, trong đó dân tộc Cao Lan chiếm hơn 70%. Bởi vậy nét sinh hoạt của dân tộc Cao Lan có những nét riêng. Dịp lễ Tết người Cao Lan có những lễ hội độc đáo, khắp các bản làng đều dán giấy đỏ. Đặc biệt là hát đối đáp giao duyên gọi là hát Sình ca (có người còn gọi là quan họ vùng đồi).
Ngày nay dân tộc Cao Lan sinh sống trên địa bàn đã có nhiều giao thoa văn hoá với dân tộc khác. Bởi vậy chính quyền các cấp rất quan tâm đến việc bảo tồn phát huy những giá trị riêng vốn có của người Cao Lan. Những phong tục như dán giấy đỏ, lấy nước mới hay điệu Sình ca sẽ được người Cao Lan lưu truyền cho con cháu và không bao giờ mai một”.
Mai Hằng - Đặng Thủy