Theo Syriahr, cuộc khủng hoảng giá dầu và đại dịch đã nhắm vào nhà lãnh đạo Nga đúng thời điểm dễ bị tổn thương. COVID-19 đã khiến nhà lãnh đạo Nga phải hoãn cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp về bầu cử.
Trong khi đó, những lo ngại về khả năng ứng phó của chính phủ với đại dịch xuất hiện ở Nga. Nhiều lo ngại về đời sống cũng xuất hiện.
Các đối tác của Nga cũng đang đứng trước nhiều rắc rối. Các lệnh trừng phạt kéo dài đã làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế vốn bị tổn thương của Iran và Syria. Trong khi đó, Tổng thống Putin lại dựa vào Damascus và Tehran để tạo dựng vị trí và hoạt động của mình ở Trung Đông.
Sự mâu thuẫn và những cuộc chiến giữa Syria với Iran đã đặt ra những thách thức cho nhà lãnh đạo Putin và ông có rất ít khả năng để giải quyết chúng.
Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng này khó có thể làm suy yếu sức mạnh của ông Putin kể cả ở trong và ngoài nước trong thời gian ngắn vì 4 lý do.
Trước hết, ông Putin đã xây dựng tốt dự trữ ngoại tệ của Nga và điều này giúp ông có tiềm lực để đẩy lùi khó khăn về kinh tế mà Nga phải đối mặt trong khoảng thời gian dài.
Thứ hai, các cơ chế kiểm soát xã hội của Nga rất chặt chẽ nên điều này góp phần tăng cường hiệu quả. Điện Kremlin đã tăng ngân sách và quyền hạn của Bộ Quốc phòng, Lực lượng Vệ binh Quốc gia và các dịch vụ an ninh khác để chống lại COVID-19.
Chính quyền Nga đang thử nghiệm phần mềm nhận dạng khuôn mặt dựa trên điện thoại để theo dõi các hoạt động của người dân. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang giúp người dân tuân thủ việc ở trong nhà và Bộ Quốc phòng đã xây dựng các đơn vị quân đội mới để chống dịch COVID-19. Ông Putin có thể tái sử dụng các công cụ này cho các mục đích chính trị trong tương lai.
Cuối cùng, thực sự cho đến nay không có ai đủ khả năng thách thức ông Putin. Các quốc gia khác đang bận rộn với việc ứng phó với COVID-19 cũng như các áp lực từ các vấn đề trong nước.
Ngược lại, Tổng thống Putin còn nhìn thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng này.
Ông Putin đang linh hoạt sử dụng khoảng thời gian cả thế giới đương đầu với dịch bệnh để dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga cũng như các đối tác bao gồm Iran, Syria, Venezuela cùng các nước khác.
Ông Putin cũng là một nhà nhân đạo quốc tế. Bộ Quốc phòng Nga đã chuyển viện trợ y tế cho các quốc gia, nơi Nga có lợi ích chiến lược như Mỹ, Ý và Balkan cũng như sử dụng các đợt giao hàng đó để tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh nước Nga.
Ông Putin đã cố gắng tận dụng những cơ hội có thể để đạt được các mục tiêu ở Ukraine.
Ông Putin sẽ giành được vị thế cao và được trọng vọng ở trong nước và quốc tế trong ngắn hạn và thậm chí có thể giành được nhiều lợi ích bổ sung nếu phương Tây vẫn còn bận tâm với các vấn đề nội bộ của riêng mình.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng nếu các cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài.
Ông chủ Điện Kremlin cũng có thể sẽ phải đánh giá lại những gì ông đã chọn đầu tư. Phương Tây không nên hy vọng rằng những áp lực hiện tại sẽ buộc ông Putin phải thu hẹp lại các chiến dịch của mình, đặc biệt là ở Ukraine và Syria, hai khu vực nắm giữ vai trò là mỏ neo cho toàn bộ kế hoạch tăng cường sức mạnh toàn cầu của ông.