Ở miền Bắc nước ta có một loại cây tên là đỗ hành sơn (cây kính, cây đơn răng cưa Bắc). Chúng có ngoại hình bình thường, kém bắt mắt, thậm chí dễ bị “hòa tan” trong những khu rừng đầy kỳ hoa dị thảo.
Những ai không biết giá trị của đỗ hành sơn thường chỉ chặt thân cây làm củi để đun nấu, bởi loại “củi” này rất dễ cháy. Tuy nhiên, như vậy vô tình đã bỏ phí công dụng cũng như giá trị thật của chúng.
Còn những người sành sỏi hay làm trong ngành y học cổ truyền chỉ cần nhìn qua đã nhận ra đây là báu vật, đặc biệt là rễ và lá cây.
Lá của đỗ hành sơn khá lớn, có hình bầu dục hoặc thuôn, dài, màu nâu lục ở trên mặt, màu sáng hơn ở dưới, tròn hay nhọn ở gốc, nhọn ở đầu. Cây bụi nhẵn có vỏ xám, khía dọc, có đốm. Để dễ nhận biết hơn, bạn có thể nhìn vào hoa và quả của chúng. Hoa trắng xếp thành chùm ở nách. Quả gần hình cầu, có vòi nhụy và lá đài tồn tại, điểm những đường dọc đen, vỏ ngoài mỏng.
Không chỉ là vị thuốc cổ truyền trứ danh ở Việt Nam, đỗ hành sơn còn là loại thảo dược giá trị ở Trung Quốc. Phần lá có thể sắc lên uống để chữa ho, phần rễ có thể sắc uống để trị bệnh lậu. Bên cạnh đó, hai bộ phận này còn có công dụng nhất định trong việc trị thương, chữa vết bầm tím, sưng tấy.
Ưu điểm lớn nhất của đỗ hành sơn là có thể cho thu hoạch quanh năm. Trong trường hợp bạn bị bong gân hay sưng tấy, đau nhức trên người, bạn cũng có thể hái lá đỗ hành sơn giã nát và đắp lên vết thương hoặc vết sưng. Tại Trung Quốc, nhiều ngư dân còn dùng lá đỗ hành sơn để gây mê cá tươi.
Ngoài ra, quả đỗ hành sơn cũng có thể ăn tươi trực tiếp hoặc phơi khô rồi ngâm thành nước uống, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, rất tốt cho sức khỏe. Loại quả này có vị ngọt nhẹ rất dễ chịu.
Ở Trung Quốc, lá đỗ hành sơn có thể bán với giá 20 NDT/kg (khoảng 65.000đ/kg). Còn ở nước ta, bạn có thể trực tiếp vào rừng để thu hoạch thứ cây được ví như “mỏ vàng” này.
Hương Nguyễn (Theo Sohu)