"Lạm phát đầy tớ” khi một xã có 500 cán bộ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Dư luận đang xôn xao trước thông tin xã Quang Vinh (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), một xã nghèo ở tỉnh này với 2.000 hộ, gần 1 vạn dân mà có tới 500 cán bộ, gấp hơn 10 lần tối đa theo quy định của chính quyền cấp xã.

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu một xã có cần đến nhiều “công bộc” đến thế? Phải chăng việc phân bổ, sắp xếp cán bộ ở đây có vấn đề?.

Nhịp sống - 'Lạm phát đầy tớ” khi một xã có 500 cán bộ

Sự cồng kềnh của bộ máy cán bộ khiến người dân gặp không ít phiền hà

Khổ vì nuôi “đầy tớ”

Trước tế này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có một bài viết “Lạm phát đầy tớ” với câu mở đầu đầy ấn tượng: “Ít ở đâu trên thế giới, đầy tớ (cán bộ, quan chức) của nhân dân lại nhiều như ở ta!”. Câu nói đó đã phản ánh một thực tế không thể “thực” hơn được nữa. Vì cán bộ đông nên người dân ở đây sống rất cơ cực. Không cơ cực sao được khi một củ khoai, hạt lúa cõng trên mình nó gần 20 loại thuế (phí). Và để có khoản tiền khổng lồ nuôi những “đầy tớ”, họ bóp hầu, bóp họng người dân bằng chính sách tận thu.

Theo phản ánh của báo giới, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, thuộc diện xã loại 1 (số hộ nghèo chiếm hơn 30%) theo Nghị định 92 của Chính phủ nên có 23 cán bộ được biên chế và 22 cán bộ bán chuyên trách. Ngoài 45 cán bộ, xã còn có thêm người làm phó các đoàn thể.

Dư luận cho rằng, lượng cán bộ như thế là quá đông. Với đội ngũ này, ngân sách không đủ trả lương nên người dân nghèo phải đóng góp nuôi cán bộ. Sự quá tải sức dân khi góp gạo nuôi công bộc chắc chắn không thể đổ lỗi cho một cái gì đó chung chung, kiểu như do cơ chế hay do lịch sử (!?).

Khi trả lời báo chí, chính lãnh đạo xa Quảng Vinh đã giải thích rằng, do ở xã có chức danh gì thì cứ theo ngành dọc mà bổ nhiệm cho tới tận từng thôn. Trong khi theo ông Nguyễn Hữu Đức, vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết “số lượng cán bộ cấp xã là công chức nhà nước được …khoán chỉ tiêu”. Về cán bộ không chuyên trách, số lượng do địa phương tự quyết định. Vậy cứ theo ngành dọc mà bổ nhiệm thì có phải sự cố tình hay máy móc, thiếu linh hoạt trong vận dụng cơ chế cho phù hợp.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ đào tạo cán bộ, Ban tổ chức Trung ương cho biết: “Ở các nước tiên tiến, một xã hộ dân sự tiến bộ thì sự tự nguyện đóng góp, tự quản trong việc tham gia hoạt động chính trị là chủ yếu. Cần xem xét tới cách thức tổ chức bộ máy của chính quyền và sau nữa là xem xét thái độ của những người tham gia các đoàn thể, tổ chức cấp thôn, bản. Nếu những người tham gia các tổ chức đoàn thể ở thôn bản chỉ làm việc khi có lợi ích, yêu cầu trả công thì nên tinh giảm, gọn nhẹ. Không thiếu những người có tâm huyết, tự nguyện gánh vác công việc của cộng đồng. Quan trọng là sự minh bạch.

“Mũ ni che tai”

Tại cuộc gặp gỡ thường kỳ với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về một số nội dung liên quan đến thông tin báo chí phản ánh việc người dân xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa đã phải nộp nhiều khoản phí để trả phụ cấp cho gần 500 cán bộ, công chức cơ sở.

Theo công văn này, tỉnh Thanh Hóa phải báo cáo chi tiết số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh; nêu rõ thực trạng triển khai các quy định về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 92 của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa báo cáo các thông tin này về Bộ trước ngày hôm nay (10/7) để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Quay lại câu chuyện “lạm phát đầy tớ” ở Thanh Hóa so sánh với con số thống kê của Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) mới thấy được nó khập khiễng đến mức nào. Theo số liệu từ Vụ Chính quyền địa phương, hiện cả nước có khoảng 130.000 thôn. Số cán bộ thôn trên cả nước là hơn 570.000 người, nếu tính cả cán bộ xã là khoảng 77.000 người. Thông thường mỗi thôn có 3 cán bộ là trưởng thôn, bí thư chi bộ và công an viên. Tuy nhiên, trên thực tế, thôn còn có cán bộ của các tổ chức chính trị xã hội, an ninh, trật tự và tổng cộng cả nước hiện có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn.

Đem số liệu trên so vào một xã có tới 500 cán bộ sẽ thấy cán cân này đang tồn tại một cách có vấn đề. Đặc biệt, nhân dân xã Quảng Vinh nghèo hay giàu, chính quyền địa phương chẳng lẽ không biết?. Bản thân mỗi người dân cũng biết sự đóng góp của mình để nuôi đội ngũ cán bộ khổng lồ là quá sức. Vậy, tại sao không sớm lên tiếng đòi sự cân bằng?. Vì, đội ngũ 500 người ấy, không phải hình thành trong ngày một ngày hai. Trong trường hợp này, cho dù cơ chế chung chưa thực sự phù hợp ở điểm nào đó thì rõ ràng lỗi trước hết vẫn thuộc về cả chính quyền địa phương lẫn những công dân của xã Quảng Vinh. Các công bộc của dân, do dân bầu ra, dân có quyền yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.

Chất lượng lúc bổng, lúc chìm

Một chuyên gia xã hội học cho rằng, lâu nay, chuyện nhận xét, đánh giá về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,...đã trở thành đề tài “nóng” của dư luận. Nó càng trở nên “nóng” hơn khi dư luận “mổ xẻ” câu chuyện ở Quảng Vinh, Thanh Hóa. Vấn đề được đặt ra là cán cân chất lượng cán bộ hiện nay. Nếu cứ phân bổ theo ngành dọc tới tận từng thôn thì quả là khó tưởng tượng.

Xét trong tính toàn diện về chất - lượng của đội ngũ cán bộ, nhiều người cho rằng, mỗi vị công bộc dù hoàn hảo đến đâu (xét trong thang tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức) cũng không thể hoạt động tách rời đội ngũ. Và, một đội ngũ hoàn chỉnh, vừa đảm bảo chất của từng thành viên, vừa phải đủ thành viên để làm đúng vai của mình. Như thế, đội ngũ ấy thiếu hay thừa dù một người cũng làm xộc xệch đội ngũ. Do vậy, khi đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là phải đánh giá trong mối quan hệ tương hỗ, tác động của mỗi cá nhân với đội ngũ. Giá trị của đội ngũ phải là sức mạnh chung, tính hiệu quả chung, vì sự nghiệp chung.

Chính vì thế, mặc dù khó đòi hỏi sự cân bằng tuyệt đối giữa lượng và chất của đội ngũ, nhưng việc nhân dân, xã hội đặt đội ngũ này lên bàn cân để định liệu là chuyện tất nhiên. Tiếc rằng, lâu nay cán cân này vẫn thường mới gánh một bên. Thành ra, xét về đội ngũ công bộc của dân, đây đó vẫn xảy ra tình trạng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong 6 tháng cuối năm là triển khai đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Việc cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng cải cách hành chính để có được đội ngũ công chức trong sạch, xây dựng nền công vụ gần dân, vì dân, theo đúng tinh thần của nhà nước pháp quyền” (ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, cho biết: “

Giang- Thơm