Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (MCK: HRT) vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2020 với doanh thu giảm mạnh và lỗ trước thuế 60 tỷ đồng.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty giảm 33% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 409 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu hoạt động tài chính đều sụt giảm đáng kể, lần lượt chỉ đạt 33% và 72% so với quý I năm trước.
Việc kinh doanh dưới giá vốn đã khiến công ty báo lỗ gộp hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp đạt 31 tỷ đồng. Mặc dù tiết giảm các khoản chi phí ở mức tối đa, nhưng vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm của doanh thu và khoản hụt lỗ gộp. Kết thúc quý I/2021 HRT ôm khoản lỗ ròng hơn 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 34 tỷ đồng. Như vậy đây đã là quý thứ 6 liên tiếp ông chủ kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt rơi vào thế khó.
Ban lãnh đạo HRT cho biết, doanh thu quý I/2021 giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh thành trên cả nước vào đúng dịp cao điểm của vận tải đường sắt là trước và sau Tết Nguyên đán. Do công ty phải ngừng chạy các đoàn tàu khách trên các tuyến dẫn đến doanh thu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 31/3/2021 đạt 1.606 tỷ đồng, tương đương mức tài sản đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 1.130 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ khoản nợ ngắn hạn là 541 tỷ đồng, tăng 17%.
Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội gồm có 15 chi nhánh trực thuộc, trong đó có 11 chi nhánh vận tải đường sắt và 4 chi nhánh toa xe. Hiện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam đang là đơn vị nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) liên tục gặp khó vì vướng mắc vấn đề giao vốn quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Theo đó, hàng nghìn công nhân ngành đường sắt đang lâm vào cảnh chỉ được tạm ứng một phần lương, cố gắng duy trì cuộc sống vốn đã rất eo hẹp,…
Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ trước tình cảnh bi đát, không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động, nguy cơ không trụ vững hết tháng 4/2021.
Theo đó, văn bản của VNR nêu rõ kiến nghị về các vấn đề liên quan tới về việc xây dựng Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối mặt với những khó khăn kinh niên như hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư xứng đáng và thêm tác động của đại dịch COVID-19, ngành đường sắt đã khó nay lại càng chật vật hơn.