Học để cống hiến cho đời
Ghé nhà lão nông Lương Tuyển, SN 1947, trú thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vào những ngày xuân mới, đập vào mắt chúng tôi vườn cây trái trĩu quả cùng những bông hoa đang khoe sắc dưới nắng.
Ngôi nhà quê, trong không gian xanh mát của vườn cây luôn tràn đầy nhựa sống như chính chủ nhân của mình. Bước vào căn phòng, chúng tôi càng ấn tượng hơn khi rất nhiều bằng cấp và giấy khen được ông trưng bày tại đây. Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng người nông dân này vẫn rất năng động, nhiệt tình và vui vẻ với mọi người.
Tuổi thơ khốn khó vì cha mẹ mất sớm, 3 anh em ông được bà ngoại cưu mang. Thế nhưng, nhà ngoại thuộc diện hộ nghèo đói nhất làng nên ông chỉ được học đến lớp 5 rồi phải đi ở mướn, chăn bò thuê để có tiền mưu sinh.
“Lúc đó, tôi học được tới lớp 5 đã rất may mắn rồi, vì gia đình thuộc diện hộ nghèo của làng nên được thầy hiệu trưởng cho học miễn phí chứ nếu phải đóng tiền như bây giờ chắc đã phải nghỉ sớm hơn nữa”, ông Tuyển chia sẻ.
Hồi đó, với ông, học là để hiểu biết hơn, có thêm nhiều kiến thức và có thể học nghề tốt hơn. Vì vậy, tranh thủ những giờ giải lao, những lúc rảnh rỗi ông tự mày mò học chương trình từ lớp 6 đến lớp 9 bằng sách rồi đăng ký thi tự do qua từng lớp. Phải mất rất nhiều năm ông mới có thể học xong chương trình cấp 2 vì vừa làm thuê vừa tự học.
Sau năm 1975, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù đã lấy vợ (năm 1974) và làm nông nhưng ông vẫn luôn đau đáu và muốn tiếp tục được đi học. Ông Tuyển cho biết: “Tôi nghĩ mình sống không phải chỉ cho bản thân, cho vợ, cho con mà còn cho xã hội nữa và phải làm được gì giúp ích được cho đời nên tôi động viên mình cố gắng phấn đấu, kiên trì việc học lên tiếp để có kiến thức áp dụng vào thực tế”.
Nghĩ là làm, năm 28 tuổi, khi các cán bộ trong thôn, xã được đi học bổ túc văn hóa, ông cũng xin đi học lớp 10. Tuy nhiên, chỉ những cán bộ ưu tiên mới được đi học nên ông không có suất.
Thế nhưng, ý chí và niềm say mê với việc học luôn mãnh liệt nên ông chấp nhận đứng ở ngoài học lỏm, không cần được vào lớp, không cần bằng cấp mà chỉ cần được nghe thầy giảng bài rồi về nhà học thêm trong sách.
Sau đó, có một số cán bộ thấy cực quá không học được nữa nên ông được trường nhận vào học. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, mỗi tối ông phải đi bộ hơn 10km để đến lớp, đến khi về nhà cũng là lúc mọi người đã say giấc nồng.
Trong quá trình học để lấy bằng THPT, ông tiếp tục ra Phú Yên học ngành chăn nuôi thú y tại Trường trung cấp nông nghiệp Phú Khánh cách nhà hơn 100km (khi đó chỉ cần có trình độ lớp 9 là có thể học trung cấp).
Trong khoảng thời gian từ 34 – 35 tuổi, ông lấy được cho mình 2 tấm bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp. Ra trường, ông làm trưởng trại chăn nuôi heo. Sau này, ông tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp 2 Ninh Quang. Ông hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
Nhờ áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất và giúp đỡ người dân địa phương, cuộc sống gia đình ông dần khấm khá, có của ăn của để. Thế nhưng, với ông việc học vẫn là niềm đam mê lớn nhất.
Vì vậy, năm 50 tuổi ông lại tiếp tục đăng ký học ngành quản trị kinh doanh của Trường đại học Mở bán công Tp.Hồ Chí Minh. Vừa học vừa làm đến năm 54 tuổi, ông Tuyển lấy bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Sau đó ít năm, ông lại tiếp tục đăng ký học văn bằng 2 tại Trường Đại học Luật Tp.HCM. Thời gian này ông phải đi ra đi vào giữa Tp.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Tp.HCM để học rồi thi nên việc làm ăn ở nhà, ông hướng dẫn vợ và các con từ xa. Dù tốt nghiệp cử nhân Luật khi đã 63 tuổi, nhưng sau đó ông vẫn tiếp tục theo học Thạc sĩ Luật Dân sự tại Trường đại học Luật Tp.HCM.
Năm 2018, khi đã 71 tuổi, ông chính thức mang về cho mình tấm bằng thạc sĩ trong sự ngưỡng mộ và thán phục của mọi người. Ông Tuyển chia sẻ: “Với tôi, học là để hiểu, để cống hiến nhiều hơn cho đời chứ không phải học chỉ vì bằng cấp nên dù nhiều khó khăn, trắc trở tôi vẫn quyết tâm học”.
Mong ước mở lớp học Anh văn miễn phí
Lúc ông Tuyển đi học, cũng là lúc 4 người con trai của ông lần lượt cắp sách đến trường qua các cấp học. Vừa học vừa lo học phí cho các con và cho bản thân mình, ông phải làm việc gấp nhiều lần so với người khác.
Và trên hết, nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ của vợ ông là bà Trần Thị Sương. Nhiều lúc kinh tế gia đình rơi vào khó khăn nhưng bà vẫn luôn ủng hộ chồng đi học. Bao sự vất vả, lo toan cho cuộc sống bà đều cán đáng hết. Chính điều đó đã luôn thôi thúc ông càng quyết tâm chinh phục giấc mơ học hành của mình.
Việc học đối với người trẻ đã không dễ dàng thì với một người lớn tuổi như ông khi trí nhớ và sức khỏe đều giảm sút càng khó khăn gấp bội. Để lấy được tấm bằng thạc sĩ là một quá trình dài, phấn đấu không ngừng nghỉ và động viên bản thân cố gắng.
Ông Tuyển chia sẻ: “Chỉ tiếc rằng thời của tôi việc học không được thuận lợi như hiện nay. Bây giờ chỉ cần có internet là có thể học rất nhiều thứ. Vì vậy, tôi rất mong các bạn trẻ hãy cố gắng phấn đấu trên con đường học tập để có kiến thức và giúp ích cho đời” .
Không chỉ là một người ham học, mà ông còn vận dụng rất tốt những gì đã học vào cuộc sống. Nhờ áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, ông Tuyển đã thành công với mô hình vườn – ao – chuồng.
Từ đó, ông và các con có kinh phí để đi học, cuộc sống gia đình khấm khá. Mô hình nông nghiệp này được gia đình ông xây dựng và duy trì ngày đầu lập nghiệp cho đến tận bây giờ.
Hiện nay, vườn của ông có 500 gốc bưởi da xanh, 500 gốc xoài Úc và nhiều loại cây trái khác. Ngoài ra, ông còn đào ao thả cá, nuôi gà bên cạnh việc chuyên canh cây lúa mỗi năm 2 vụ. Nếu thuận lợi, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu.
Hiện, ông Tuyển đang là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Ninh Quang. Đời sống kinh tế gia đình đã ổn định nhưng ông vẫn miệt mài việc học. “Sau khi có được bằng thạc sĩ, tôi vẫn muốn học tiếp tiến sĩ. Vì vậy, mấy năm nay tôi đều tự học Anh văn và ôn luyện hàng ngày sau giờ làm. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây do tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nên có lẽ tôi sẽ không tiếp tục học tiến sĩ nữa” – ông Tuyển cho hay.
Thay vào ước mơ lấy bằng tiến sĩ của bản thân, giờ đây ông lại muốn mở lớp học dạy Anh văn miễn phí cho trẻ em trong làng từ những kiến thức mình đã học được. Nhận thấy trong làng, việc học ngoại ngữ của những đứa trẻ gặp nhiều khó khăn do phải đi xa cộng với mong muốn truyền lại kiến thức cho thế hệ trẻ, ông đang ấp ủ giấc mơ mở lớp học này trong tương lai gần nhất.
Clip: Nghị lực học tập và việc áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất của lão nông Lương Tuyển.
Châu Tường