Hôm nay (23/10), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên tại khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử đối với thầy và trò ĐHQGHN, đặc biệt là 1.500 sinh viên khóa QH.2022 thuộc Trường Đại Giáo dục, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Việt Nhật, Trường Quốc tế lần đầu tiên học tập tập trung tại Hòa Lạc.
Trong diễn văn khai giảng, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ:“Sự thành công bắt nguồn từ việc ĐHQGHN thay đổi tư duy và cách làm đối với một không gian mới như Hòa Lạc”.
Nhà trường đã chuyển từ tập trung riêng cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tới Hòa Lạc sang đưa vào sử dụng dùng chung đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cấp bách cho toàn ĐHQGHN để đảm bảo xây dựng đến đâu đưa vào sử dụng hiệu quả đến đó; Chuyển từ các ngành khoa học cơ bản sang mở mới thêm các ngành kỹ thuật công nghệ và các ngành xã hội có nhu cầu cao. Cùng với đó, chuyển từ bắt buộc các đơn vị phải chuyển tới Hòa Lạc một cách hành chính sang ưu tiên phát triển các đơn vị đang có nhu cầu.
“Hơn hết, lãnh đạo phải chuyển tới Hòa Lạc thì tập thể mới theo gương, Cơ quan ĐHQGHN chuyển đến thì đơn vị mới sẵn sàng, thầy cô chuyển đến thì học sinh và gia đình mới yên tâm. Nếu chúng ta không có mặt ngày đêm ở Hòa Lạc thì Hòa Lạc sẽ khó chuyển mình”, Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Cũng tại lễ khai giảng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và người học trong việc chuyển trụ sở Cơ quan ĐHQGHN, tổ chức tuyển sinh và triển khai đào tạo tại Hòa Lạc.
“Đặc biệt trong một năm qua, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển trụ sở làm việc và tổ chức tuyển sinh, đón các em sinh viên đến học tập tại Hòa Lạc để chúng ta có lễ khai giảng trang trọng ngày hôm nay”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chia sẻ.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định, ĐHQGHN đã và đang tiếp tục có bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, khẳng định danh tiếng, xác lập vị thế đại học hàng đầu Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học có vị thế cao trong khu vực và thế giới.
Những thành công bước đầu của ĐHQGHN cùng với một số trường đại học đang tạo nên khí thế mới của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, các nhà khoa học và lãnh đạo ĐHQGHN cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Khu đô thị ĐHQGHN, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ đời sống, điều kiện học tập và rèn luyện của sinh viên tại đây.
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn; mỗi thầy cô giáo luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo để học sinh noi theo.
Trong thời gian tới, với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN đã có nhiều quyết sách để phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ.
Các chính sách về chế độ làm việc đối với giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ khoa học trẻ với nhiều điểm ưu việt và hội nhập quốc tế cũng được ban hành và thực thi.
Chương trình học bổng dành cho sinh viên ngành khoa học cơ bản được triển khai thí điểm sẽ tạo cơ chế mở khích lệ các học sinh có thành tích xuất sắc được theo học các ngành học yêu thích, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.