Nhiều nguyên nhân gây ách tắc giao thương
Tiếp nối thành công của 6 phiên trước đó, sáng ngày 16/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021” lần thứ 7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, hiện nay Đồng Tháp còn tồn khoảng 30.000 tấn thủy sản các loại, chủ yếu là cá tra (20.000 tấn), còn lại là cá lồng bè và một số loại khác.
Nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội trên diện rộng khiến chuỗi lưu thông vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ bị đứt gãy. Tuy vẫn còn một số khó khăn nhưng gần đây, tình hình đã được cải thiện giúp cho một số hoạt động sản xuất khôi phục trở lại.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Huỳnh Tất Đạt thông tin sơ qua về bức tranh kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh. Theo ông Đạt, ngoài sen, sản phẩm đặc trưng của tỉnh với hơn 20 chế phẩm từ loại cây này thì thế mạnh lớn nhất hiện nay của Đồng Tháp là lúa gạo và thủy sản. Sản lượng lúa chất lượng cao hàng năm lên đến trên 3,37 triệu tấn, 5 triệu con vịt với trữ lượng trứng 120 triệu quả. Từ nay tới cuối năm, Đồng Tháp có thể sản xuất 21.000 tấn xoài xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GobalGAP…
Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển mảng du lịch cộng đồng với các mô mình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Điểm sáng trong loại hình du lịch này được ông Đạt nhấn mạnh là thành công của làng hoa Sa Đéc, hàng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế, ngoài ra tỉnh còn có 51 điểm du lịch cộng đồng...
Tìm đầu ra cho nông sản Đồng Tháp
Để kết nối tiêu thụ số lượng hàng tồn đọng hiện nay và nông sản trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, cần có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại và các hợp tác xã.
Ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, trong đó ở Đồng Tháp có các sản phẩm như xoài, cá ba sa, gạo...sẽ được kết nối vào siêu thị.
"Chúng tôi mong các đơn vị cung ứng đưa ra các sản phẩm chất lượng cao để hệ thống có thể bán ở hệ thống siêu thị của Central Group cả trong nước và thị trường nước ngoài", ông Paul Le chia sẻ khi chất lượng nông sản bày bán trong hệ thống siêu thị này chưa được tốt so với khi còn ở trong các nhà vườn.
Rất tâm đắc với sản phẩm xoài của Đồng Tháp, vị Chủ tịch này đề xuất tổ chức lễ hội riêng về xoài Đồng Tháp, nhằm mục đích kết nối với người tiêu dùng và quảng báo thương hiệu cho loại nông sản giá trị cao này.
Đề xuất của ông Paul Le đã nhận được sự ủng hộ cao từ Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn và một số doanh nghiệp khác.
Với hệ thống siêu thị Saigon Co.op và Bác Tôm, 2 đơn vị này cho biết cũng sẽ tạo thuận lợi để kết nối nông sản Đồng Tháp vào hệ thống siêu thị. Ngoài việc các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về VietGAP và Global GAP, các hệ thống này cũng yêu cầu các hợp tác xã cần đáp ứng các tiêu chí riêng của hai hệ thống này để hàng hoá được giao thương tốt.
Hướng đi mới
Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, Nguyễn Đình Tùng cho biết, đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với mặt hàng chủ lực là trái cây tươi nên sự liên kết giữa đơn vị này và nông sản Đồng Tháp đã có từ lâu.
Theo ông Tùng, 4 khó khăn lớn nhất hiện nay mà xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt là thời gian vận chuyển, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, phương thức tái cơ cấu chưa tính đến loại hình xuất khẩu và thứ 4 là “đói thông tin” về yêu cầu chất lượng sản phẩm của thị trường nhập khẩu.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nêu ra nhiều giải pháp để tháo gỡ các vấn đề trên như tăng cường đàm phán, mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường nhập khẩu qua các kênh quốc tế hoặc tận dụng thông tin từ chính những đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu này.
“Công ty chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng du lịch nông sản từ 2 năm trước với mong muốn tổ chức các đoàn khách quốc tế du lịch, thăm quan vườn trồng, đặc sản vùng miền tại Đồng Tháp. Mục đích là kích hoạt nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam của khách nước ngoài, sau khi thưởng thức trái cây, giúp tăng giá trị thặng dư cho ngành nông nghiệp”, ông Tùng cho biết thêm.
Nhận định, với hơn 2.700 chủ thể OCOP với 5.012 sản phẩm OCOP, Đồng Tháp hoàn toàn có thể xây dựng kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nêu ý kiến.
“Kênh thương mại điện tử này có thể mở rộng để tiêu thụ sản phẩm OCOP không chỉ riêng Đồng Tháp mà còn cho cả vùng ĐBSCL. Đây là một cầu nối khiến người tiêu dùng dễ tìm, dễ mua và dễ tiếp cận với sản phẩm OCOP".
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, vấn đề lớn nhất hiện nay của các địa phương là đưa nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, sản phẩm chưa đạt chất lượng yêu cầu của các thị trường cao cấp như châu Âu.
“Với một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như Chánh Thu thì điều chúng tôi lo lắng nhất là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản”, bà Ngô Tường Vy khẳng định.
Đồng tình với ý kiến của bà Ngô Tường Vy, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cũng cho biết, trước đây đơn vị đã liên kết với HTX sen ở Tháp Mười để phát triển nguồn nguyên liệu, tuy nhiên sau đó, mô hình này đã thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị của Hợp tác xã không đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo số lượng đầu ra theo cam kết, dẫn đến bị “gãy” hợp đồng với đối tác.
Tiến sĩ Trang đánh giá, vai trò của HTX sản xuất trong mối liên kết này là rất quan trọng, mối liên kết sẽ chặt chẽ hơn nếu có sự tham gia của chính quyền địa phương.
Sau khi lắng nghe ý kiến tham luận của các bên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trực tiếp giao 2 nhiệm vụ cụ thể cho Ban tổ chức diễn đàn. Một là kết hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Lễ hội Xoài tại Đồng Tháp. Hai là khẩn trương kiểm tra việc kết nối tiêu thụ nông sản trong thực tế.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đồng ý với đề xuất của Công ty Chánh Thu, về việc thành lập một mô hình điểm, gắn với chuỗi giá trị xuất khẩu. Bộ NN-PTNT cam kết hỗ trợ hạ tầng, trước khi nhân rộng mô hình ở 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao về công tác tổ chức của tỉnh Đồng Tháp trong việc triển khai sâu, rộng các thành phần tham gia, nhấn mạnh về hiệu quả trong việc đưa các địa phương cấp huyện, xã, mời tổ chức nông hộ, nông dân để nâng cao chất lượng cho Diễn đàn. Làm sao để đưa thông tin cụ thể đến từng người dân, đây mới là mục tiêu quan trọng nhất cần đạt đến.
“Bộ NN-PTNT đang thúc đẩy tổ chức 2 diễn đàn quan trọng trong thời gian đầu tháng 11 tới, đó là Diễn đàn các sản phẩm OCOP và Diễn đàn quốc gia về sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn”.
Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương để tổ chức “Diễn đàn kết nối chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” vào tháng 12, đưa nông sản Việt tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng quốc tế thông qua các doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam.