Đó là lời tâm sự của những người làm việc ở đội bảo vệ An ninh Trật tự cầu Cần Thơ. Đội có 50 người với nhiệm vụ chính là bảo vệ xử lý, hỗ trợ điều tiết giao thông khi có tai nạn, sự cố... Nhưng nhiều năm nay, họ làm công việc cứu người trên một trong những cây cầu đẹp nhất Việt Nam. Ở cây cầu nối liền Vĩnh Long và Cần Thơ ấy, họ đã lắng nghe chuyện đắng cay của rất nhiều người, nhiều trong số đó được họ cứu những cũng có những người không kịp khiến họ day dứt khôn nguôi.
Chứng kiến nỗi đau mất người thân, tiếng gào khóc, nỗi ân hận của người ở lại sau mỗi cái chết khiến cho những người đàn ông làm nhiệm vụ ở cây cầu này ám ảnh. Họ hiểu đó là nỗi đau khôn nguôi của người ở lại. Chính vì vậy, họ thầm lặng trở thành người lắng nghe, nhà tâm lý để làm công việc cứu người. Với họ, công việc ấy xuất phát từ tình người, “không thể thấy chết mà không cứu”.
Cuộc đời khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng cũng vì nó mà trở nên đẹp đẽ, hạnh phúc hơn.
Khó khăn cũng là tình trạng mà nhiều người trẻ tại Hàn Quốc đang phải đối mặt. Những người ở độ tuổi từ 20-30 đang phải chịu đựng căng thẳng ngày càng gia tăng bởi cuộc khủng hoảng việc làm khắc nghiệt và tác động của đại dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều người trẻ có xu hướng bạo lực để giải toả cảm xúc.
Theo Koreabiz, rất nhiều trường hợp đã được báo cáo, do sự căng thẳng xuất phát từ cảm giác bất lực và trầm cảm dẫn tới hành vi bạo lực. Cách đây vài ngày, bức tượng Đức mẹ Đồng Trinh trong sân của một nhà thờ ở Busan đã bị hư hại nặng nề phần tay và lưng, do bị một khối đá lớn ném vào. Thủ phạm bị bắt sau đó năm ngày, là một người thất nghiệp ngoài 20 tuổi. Điều tra ban đầu cho hay, người thanh niên phạm tội do căng thẳng tích tụ từ việc không tìm được việc làm.
Trước đó, cuối 2020, một người thất nghiệp 27 tuổi cũng bị một cảnh sát bắt giữ ở Seoul, sau khi anh ta dùng vật nhọn mài vào 5 chiếc xe hơi đỗ ven đường lúc nửa đêm. Khai báo với cảnh sát, thủ phạm nói áp lực của việc thất nghiệp khiến anh trở nên như vậy.
Cục Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 của thanh niên từ 15 đến 29 tuổi là 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4%. Đặc biệt, những người ở độ tuổi 20 bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát Covid-19. Khó khăn hiện hữu rất rõ ràng và để khắc phục là điều không dễ. Nhưng, không dễ không có nghĩa là không có giải pháp. Luôn có giải pháp cho một vấn đề.
Với những người tìm đến cái chết ở cầu Cần Thơ hay những người trẻ tìm đến bạo lực để giải toả cảm xúc ở Hàn Quốc, tất cả đều sẽ có giải pháp miễn là nó được chú ý. Rõ ràng, các cơ quan quản lý cần vào cuộc để giải bài toàn này. Bài toán dù khó đến câu cũng vẫn sẽ có lời giải!
LÊ ANH