Đầu năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa toàn quốc và ngừng sản xuất hàng hóa. Điều này đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Lý do gây thiếu hụt container
Các công ty vận tải biển bắt đầu giảm số lượng tàu hàng được gửi đi, không những làm trì trệ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn khiến các container rỗng không được thu hồi.
Một số lượng đáng kể container chưa được luân chuyển đã được đưa vào các kho nội địa, một số khác thì đang chất đống tại các bến cảng.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những biện pháp hạn chế, giãn cách, khách hàng có xu hướng chi tiêu cho hàng hóa nhiều hơn cho dịch vụ, dẫn đến nhu cầu sử dụng container vận chuyển hàng hóa tăng lên, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu container.
Các nhà máy sản xuất container, hầu như chỉ tập trung ở Trung Quốc, dự kiến sẽ sản xuất ra con số kỷ lục 5,4 triệu container 20 feet trong năm nay, theo Drewry Shipping Consultants Ltd., một tổ chức tư vấn và nghiên cứu hàng hải toàn cầu độc lập hàng đầu thế giới có trụ sở ở London.
Theo John Fossey, phụ trách bộ phận nghiên cứu và cho thuê container của Drewry, về nguyên tắc có dư thừa container để xử lý khối lượng giao dịch toàn cầu. Nhưng trên thực tế, mức độ sẵn có của container ở một số nơi trên thế giới đang cực thấp vì có một khối lượng lớn các container đang bị mắc kẹt.
Fossey cho biết sự sụt giảm trong sản xuất trong những năm gần đây có thể góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt ngày nay, nhưng sự gián đoạn do đại dịch gây ra là yếu tố chính làm giảm mức độ sẵn có này.
Công ty tư vấn vận tải biển Vespucci Maritime có trụ sở tại Đan Mạch đã theo dõi tình trạng thiếu container ngay từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên vào đầu năm 2020. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng đã sụt giảm, các hãng tàu đã hủy bỏ nhiều tuyến vận chuyển giữa châu Á và Bắc Mỹ. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng trở lại trong mùa hè năm 2020, hàng nghìn container rỗng đã bị mắc kẹt ở Mỹ và các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc phải chờ đợi rất lâu mới thu hồi được số container này để tiếp tục vận chuyển hàng hóa.
Các sự kiện như vụ tắc nghẽn tàu container trên kênh đào Suez hồi tháng 3/2021, việc đóng cửa các cảng container lớn của Trung Quốc hồi tháng 5, tháng 6 và tháng 8/2021 khiến khoảng 350.000 container trong tình trạng nhàn rỗi và một khối lượng lớn các container khác mắc kẹt tại các cảng ở Mỹ và châu Âu đã làm tình hình thêm căng thẳng.
Những gã khổng lồ trong ngành cũng rơi vào tình trạng mất cân bằng
Nhiều gã khổng lồ trong ngành vận tải biển, chẳng hạn như Maersk (Đan Mạch) và Hapag-Lloyd (Đức), đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu hụt container toàn cầu. Tình trạng này buộc họ phải điều chỉnh phương thức hoạt động và đối mặt với tình trạng sụt giảm trong vận chuyển.
Hapag-Lloyd đã tăng 25% thời gian làm đầy và làm rỗng container so với bình thường để đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng các container. Hãng vận tải biển hàng đầu nước Đức đã phát huy tư duy sáng tạo trong việc điều chỉnh các container của họ cho các mục đích sử dụng thay thế.
Việc tắt các container lạnh cho phép hàng hóa khô như giày dép, đồ điện tử hoặc hàng dệt may được gửi đến các địa điểm có nhu cầu làm lạnh. Khi đến đó, các container này có thể được làm rỗng và bật lại chế độ làm lạnh để tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Bên cạnh đó, Hapag-Lloyd đã xem xét việc tái sử dụng các container cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, theo Nils Haupt, giám đốc truyền thông của công ty.
“Chúng tôi đang tìm cách tăng công suất,” ông cho biết. “Khách hàng được yêu cầu trả lại các container rỗng sớm hơn thường lệ. Chúng tôi cũng xem xét các container hiện đang được sửa chữa hoặc những container đã cũ đang chuẩn bị bán thanh lý.”
“Tất nhiên hiện giờ chúng tôi vẫn chưa dùng đến phương án cuối này. Nhưng đó là điều chúng tôi đang cân nhắc.”
Với tình trạng thiếu hụt container chưa từng có tiền lệ và đầy biến động, Haupt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ trong ngành để ngăn chặn những tình huống như thế này tái diễn.
“Ngành vận tải biển rất dễ biến động,” ông cho biết thêm. “Chúng tôi cho rằng cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khách hàng, các hãng vận tải và các đơn vị vận hành cảng để có thể chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống như thế này trong tương lai.”
Hàng hóa tồn đọng dẫn đến chi phí phát sinh
Tại Anh, các công ty như Hexstone Ltd., một nhà phân phối và bán buôn phần cứng công nghiệp, đã bị ảnh hưởng khi vận chuyển hàng hóa và nhận sản phẩm từ Viễn Đông.
Ian Doherty, CEO của Hexstone, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối đinh tán của Anh và Ireland, cho biết Hexstone có một nhà kho ở Anh - thường dự trữ sản phẩm đủ phân phối trong 4-5 tháng – nhằm giảm thiểu tác động mà sự gián đoạn có thể gây ra. Tuy nhiên, công ty vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi có hàng hóa nhưng không thể vận chuyển vì chúng tôi không thể lấy được container,” Doherty than phiền. “Chúng tôi đã bị chậm deadline giao hàng 6-8 tuần. Hàng đã sẵn sàng xuất xưởng nhưng không thể nào vận chuyển đến được Viễn Đông.”
Bên cạnh sự thiếu hụt container, các nhà nhập khẩu ở Anh và Ireland đang phải đối mặt với các khoản phí phát sinh và thời gian chờ đợi lâu hơn.
Sự chậm trễ liên tục tại các cảng như Felixstowe - cảng container bận rộn nhất nước Anh, nơi xử lý 48% lượng hàng container của Anh - đã dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm chờ được giao, làm tăng thời gian vận chuyển các container tới điểm đến tiếp theo.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã diễn ra trong vài tháng, khiến một số tàu chở hàng phải bỏ container tại các cảng Bắc Âu để tránh bị chậm trễ. Tuy nhiên, cuối cùng, họ vẫn bị chậm khoảng hai tuần so với deadline giao hàng. Điều này làm tăng thêm áp lực lên mức độ sẵn có của container.
Chi phí vận chuyển cũng tăng cao do sự chậm trễ tại cảng.
“Tình trạng tắc nghẽn tại cảng Felixstowe đang ảnh hưởng đến cước phí vận chuyển vì các hãng tàu đang tính thêm phí tắc nghẽn trên đường đến các cảng của Vương quốc Anh,” Doherty cho biết. “Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng là một vấn đề lớn đối với chúng tôi.”
Bức tranh tương lai cho ngành vận tải biển
Không ai có thể dự đoán được tương lai. Tuy nhiên, các biện pháp đã tích cực đã được áp dụng để hỗ trợ các công ty trên toàn cầu, ví dụ như việc tạo ra một hệ thống đặt chỗ container mới.
Công ty logistic Cainiao thuộc tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã cho ra mắt dịch vụ đặt chỗ container của riêng mình. Hệ thống này có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và đường biển. Nó sẽ giúp hãng logistic này thích ứng với tình trạng thiếu container toàn cầu. Dịch vụ này của Cainiao có thể được sử dụng tại 200 cảng ở 50 quốc gia và nhằm mục đích giảm lượng container rỗng tồn đọng.
Maersk, hãng vận tải container và khai thác tàu lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng khan hiếm container. Tuy nhiên, gã khổng lồ vận tải hàng hải này tin rằng tình trạng hiện tại sẽ sớm được cải thiện.
Lars Mikael Jensen, CEO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Maersk, cho biết: “Tình hình được kỳ vọng là sẽ có cải thiện, các nút thắt cổ chai sẽ được giải tỏa, các mô hình mua hàng có khả năng được bình thường hóa, và sẽ có các tàu và container bổ sung vào thị trường trong năm 2021. Điều này có nghĩa là tình trạng thiếu tàu và container hiện tại chỉ là tạm thời.”
Jensen cho rằng sự minh bạch trong việc xây dựng quy tắc trên toàn cầu là chìa khóa cho tất cả các bên tham gia thị trường để hỗ trợ thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Sự thiếu hụt toàn cầu và các tác động của Covid-19 đã khiến ngành vận tải biển rơi vào tình trạng bất định. Tuy nhiên, tin tốt là mức độ sẵn có của container đang dần tăng lên, và tắc nghẽn cũng đang giảm ở một số nút thắt nhất định. Khi thời gian trôi qua, ngành công nghiệp vận tải biển có thể hy vọng vào sự cải thiện trong tương lai.
Minh Đức (Theo Ship Tech, WSJ)