Cần làm gì để Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống đạt hiệu quả là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm. Xoay quanh nội dung này, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH đoàn Đồng Tháp.
NĐT: Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), ông nhìn nhận thế nào về việc thông qua Luật này tại kỳ họp bất thường lần thứ 5?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đất đai gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều. Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
NĐT: Để Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống, theo đại biểu cần có chính sách đồng bộ ra sao?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Ngày 20/2, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai.
Cho nên, tôi cho rằng trước mắt Chính phủ cần ban hành Nghị định để thực hiện chi tiết những nội dung Luật Đất đai quy định. Song song với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Còn liên quan đến bộ, ngành nào thì bộ, ngành cũng phải có thông tư hướng dẫn để sửa đổi, thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Luật Đất Đai là một bộ luật rất quan trọng, liên quan đến toàn bộ đời sống của mọi người dân. Cho nên, việc triển khai, thấm nhuần thực hiện tốt Luật Đất đai là việc hết sức cần thiết.
Trước khi tổ chức thực hiện thì ngay từ đầu năm 2024 thì tất cả các cấp, các ngành ở địa phương phải có một tâm thế chuẩn bị, khi Luật Đất đai có hiệu lực, có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì tiếp tục triển khai. Đồng thời, đối với các ngành, các cấp cũng phải nắm và hiểu được những nội dung của Luật Đất đai để tổ chức thực hiện cho tốt theo đúng tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi).
NĐT: Trong quá trình tiếp xúc cử tri, cũng như lắng nghe nguyện vọng từ cử tri, xin ông cho biết người dân tâm tư như thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Người dân rất trông chờ vào việc sửa đổi Luật Đất đai mang lại những quyền lợi thiết thực cho họ trên tất cả các khía cạnh. Đặc biệt là các vấn đề về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tách thửa… Đây là những nội dung cực kỳ quan trọng, nên chuẩn bị tâm thế tập trung triển khai để Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống và người dân đồng tình ủng hộ Luật là một điều rất quan trọng và cần thiết.
NĐT: Từ 1/1/2025 Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, vậy ông có kỳ vọng như thế nào để luật đáp ứng được những mong mỏi của cử tri?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Luật Đất đai (sửa đổi) được các ĐBQH bấm nút thông qua với tỉ lệ cao, điều đó thấy rằng các ĐBQH rất đồng tình với việc sửa Luật Đất đai lần này.
Những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung, đánh giá tác động trong Luật Đất đai (sửa đổi). Tôi tin rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ ăn sâu vào cuộc sống của người dân, người dân chấp nhận, đồng tình ủng hộ cao.
Đây là một cơ sở, tiền đề vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các cấp căn cứ vào Luật có những văn bản, hướng dẫn tổ chức thực hiện hoàn chỉnh và đạt được hiệu quả, kết quả tốt, khắc phục hầu hết những bất cập của Luật Đất đai năm 2013.
NĐT: Dự kiến tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai Luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Luật, Nghị quyết, đại biểu đánh giá như thế nào về việc tổ chức hội nghị này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTVQH tổ chức Hội nghị triển khai Luật, Nghị quyết, đây là việc làm mới nhưng rất cần thiết. Để đông đảo đồng bào, cử tri cả nước hiểu và thấm nhuần. Cùng với đó, không phải chỉ triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội cho cử tri mà còn để các cơ quan công quyền từ Trung ương đến cơ sở biết và nắm được.
Đồng thời, để nhìn lại trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua bao nhiêu Luật, bao nhiêu Nghị quyết, nội dung đó là gì?.
Tôi cho rằng, đây là công việc mang tính thường xuyên và rất cần thiết, ngoài việc các ĐBQH đã biểu quyết thông qua thì các ngành, các cấp từ Trung ương cho đến địa phương phải thấm nhuần và quán triệt, nắm vững và chắc các dự án luật, các Nghị quyết để triển khai thực hiện cho tốt.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Luật Đất đai gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.
Luật đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài quốc tịch Việt Nam, có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân ở trong nước (cá nhân trong nước).
Quy định nhóm người sử dụng đất gồm thành viên hộ gia đình thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất.
Về thu hồi đất, trưng dụng đất, luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, công trình sự nghiệp. Các trường hợp khác bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách...
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, luật mới đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức. Trong đó, được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở. Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Liên quan vấn đề tài chính về đất đai, giá đất, luật đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ. Luật quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.
Luật Đất đai 2024 cũng quy định các phương pháp định giá đất. Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất....