Trong một số cuộc trả lời phỏng vấn tuần trước, James Jeffrey, đặc phái viên Mỹ tại Syria, khẳng định Washington đã có nhiều cuộc đàm phán với người Nga. Nếu trước đây, các cuộc đàm phán như vậy chủ yếu bàn về các giải pháp quân sự thì giờ là mục tiêu tìm cách chấm dứt xung đột thông qua các kênh ngoại giao.
Thứ Năm tuần trước, ông Jeffrey đã đưa ra tuyên bố Nga sẽ hợp tác nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria. Và ông nói trong một cuộc phỏng vấn khác rằng người Nga hiểu “kiểu đồng minh” của họ ở Syria.
Chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nga đang “quay lưng” với Tổng thống Syria Assad nhưng có một sự thật là: Ông Assad đang tiêu tốn khoản chi đắt đỏ với Moscow.
Dù cho chính sách đối ngoại của Mỹ không phải bao giờ cũng nhất quán nhưng có một điều luôn không thay đổi đó là thái độ nước này với sự can thiệp của Nga vào Syria. Người Mỹ cho rằng Moscow đang tiêu tốn quá nhiều tiền vào Syria.
Khi Nga lần đầu tiên can dự vào nội chiến Syria năm 2015, Tổng thống Obama đã nói với người đồng cấp Vladimir Putin rằng Moscow dễ chìm trong vũng lầy của người Syria giống như cách Mỹ đã trải qua ở Iraq.
Nhà lãnh đạo Nga lại cho rằng sự can thiệp của Moscow vào Syria là nhằm củng cố vị thế siêu cường của Nga và sử dụng điều này như một đòn bẩy nhằm thúc đẩy các thỏa thuận kinh doanh với các nước ở Trung Đông. Đồng thời, điều này cũng giúp Nga thể hiện rõ vai trò là một nhà môi giới chính ở Syria cũng như khu vực.
Vì vị trí quan trọng của Nga ở Syria, các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều muốn có quan hệ đặc biệt sâu sắc với người Nga, nhưng Mỹ đang cố gắng kiềm chế các mối quan hệ đó.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Moscow, Mỹ đã gây áp lực với Ankara để vũ khí này phải được giữ yên trong hộp, không triển khai hoạt động.
Đổi lại, Mỹ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất để bảo vệ biên giới của nước này. Chính sách của Mỹ luôn hướng tới việc kiềm chế ảnh hưởng của Nga với khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, Mỹ đang chứng kiến việc Nga phải đương đầu với một chi phí khá đắt đỏ ở Syria. Mỹ tin rằng khó một nước nào có thể chịu đựng khoản chi phí đắt đỏ như vậy lâu dài và hẳn nhiên Nga cần phải bắt đầu thu hồi chi phí, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch do virus corona lan truyền cũng như giá dầu thấp khiến nền kinh tế Nga thiệt hại.
Trong bối cảnh này, Washington muốn đàm phán với Nga, nhưng từ vị thế quyền lực chứ không phải vị thế yếu kém.
Syria không phải là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Hợp đồng Nga thuê cảng Tartus trong 49 năm và các hợp đồng khai thác tài nguyên phốt phát của Syria không đủ để chi trả cho các chi phí của Moscow ở Syria. Không giống như Iraq, hoàn toàn có tiềm năng chi trả cho việc tái thiết đất nước, Syria phải nhờ cậy đến các nhà tài trợ quốc tế mới có thể tái thiết đất nước.
Nga đang hy vọng các nước phương Tây sẽ giang tay chìa những hợp đồng tái thiết quốc gia Trung Đông sau nội chiến. Tuy nhiên, phương Tây vẫn vững vàng: Sẽ không có sự tài trợ cho việc tái thiết Syria khi quốc gia này có sự chuyển đổi nền chính trị rõ ràng và khi đó khả năng ông Assad nắm quyền là chuyện không tưởng.
Trong khi đó, mỗi ngày ở Syria có nghĩa Nga sẽ phải tiêu tốn một khoản chi phí đáng kinh ngạc cho quân đội. Nga đã mất ít nhất 19 máy bay có người lái trong cuộc xung đột ở Syria. Nhiều tổn hại khó đo đếm khác Nga cũng phải đang phải gánh chịu.
Người Nga dường như nhận ra rằng việc dung dưỡng và hậu thuẫn ông Assad ngày càng trở nên tốn kém và bấp bênh.
Tuy nhiên, việc Nga rời bỏ ông Assad trước khi Syria ổn định có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Syria. Nếu Nga rời bỏ Syria ngay lúc này để mặc quốc gia Trung Đông theo đuổi thể chế mới thậm chí còn gây hỗn loạn hơn.
Vì lẽ đó nên, Điện Kremlin đang cố gắng kiềm chế và gây áp lực để giảm thiểu tối đa chi phí của nước này tiêu tốn vào Syria. Ít ai ngờ lệnh ngừng bắn mới đây ở Idlib lại diễn ra.
Ông Jeffrey cho biết ông hy vọng lệnh ngừng bắn này sẽ được duy trì trong vài tháng nữa. Và có lẽ vì áp lực của Nga mà Tổng thống Assad đang kiềm chế, không tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào tỉnh này.
Những tháng tới có thể sẽ còn khó khăn hơn đối với Nga. Đạo luật Caesar của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 17 tháng 6, và gây ra các lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga có thỏa thuận với ông Assad.
Dẫu vậy, để mất vị trí của Nga ở Syria là điều Moscow không bao giờ muốn. Do đó, dù đối mặt với một khoản chi đắt đỏ ở Syria, nhà lãnh đạo Putin hẳn sẽ không quay lưng với ông Assad.