Trước xung đột với Nga, Ukraine đã mua hàng chục chiếc Bayraktar TB2.
Reuters dẫn nguồn tin từ hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa mới nhận 20 UAV vũ trang Bayraktar TB2.
Nhu cầu đối với UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt trên toàn cầu nhờ vào vai trò của mẫu UAV này trong xung đột ở Ukraine.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã khẳng định vai trò quan trọng của các UAV trong chiến tranh hiện đại.
Mỹ là quốc gia sở hữu phi đội UAV vũ trang mạnh mẽ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ với mẫu Bayraktar TB2 đang đem đến làn gió mới nhờ năng lực chiến đấu hiệu quả trong khi giá cả phải chăng.
Mỗi chiếc Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5 mét, sải cánh 12 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 700kg, với khả năng mang theo bom hoặc tên lửa. Máy bay có tầm hoạt động lên tới 4.000km. Giá thành mỗi chiếc Bayraktar TB2 vào khoảng 5 triệu USD, chỉ bằng 1/6 mẫu UAV MQ-9 Reaper của Mỹ.
Bayraktar TB2 được coi là đối trọng với các mẫu UAV của Iran ở Trung Đông.
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói đối tác tỏ ra khá hài lòng và đã ngỏ ý muốn đặt mua thêm, theo Reuters. Gần đây, có thông tin nói rằng UAE đang đàm phán mua thêm 120 UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và UAE từng là hai quốc gia đối thủ trong quá khứ, nhưng hai bên đã hòa giải vào năm ngoái và hiện có chung một mối quan ngại. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn như phiến quân Houthi ở Yemen.
Tháng 11/2021, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan (MBZ) đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn quan hệ hai nước. Tháng 2 năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã tới thăm UAE.
Theo các chuyên gia, bình thường hóa quan hệ với quốc gia Trung Đông là hướng đi mà ông Erdogan theo đuổi để thúc đẩy đầu tư và tăng nguồn thu ngoại tệ.
Không chỉ mua vũ khí, UAE có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã đồng ý về một giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 5 tỷ USD. Hai nước cũng đã bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương.
UAE từng nhiều lần chứng kiến cảnh phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công các cơ sở lọc dầu ở nước này. Ả Rập Saudi, quốc gia khác ở vùng Vịnh, cũng rất quan tâm đến mẫu UAV Bayraktar TB2. Phía Ả Rập Saudi không chỉ muốn mua UAV mà còn đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất ở nước này.
Haluk Bayraktar, CEO của Baykar, nói nguồn thu từ xuất khẩu UAV Bayraktar TB2 tương đương lợi nhuận của công ty trong cả năm.
UAE đang đàm phán mua thêm 120 chiếc còn Ả Rập Saudi cũng bày tỏ sự quan tâm.
Công ty đã sản xuất hơn 400 chiếc Bayraktar TB2 và xuất khẩu tới khoảng 22 quốc gia trên thế giới và đang thúc đẩy sản xuất dựa vào các nhà máy ở nước ngoài.
Theo ông Bayraktar, công ty hiện có năng lực sản xuất khoảng 200 chiếc Bayraktar TB2 mỗi năm và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 500 chiếc/năm.
Theo Reuters, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ có giá thành phải chăng và không bị hạn chế tính năng dù năng lực chiến đấu chưa thể sánh bằng UAV của Mỹ hay Israel.
So với các mẫu UAV của Trung Quốc hay Iran, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra vượt trội hơn. "Các UAV Iran như mẫu Shahed và Muhajir cũng rất đáng gờm, nhưng không phân tích thời gian thực nhanh nhạy và đạt độ chính xác cao như chiếc Bayraktar TB2", nguồn tin nói trên Reuters. "Với mẫu Bayraktar TB2, UAE và Ả Rập Saudi muốn loại bỏ sự thống trị của UAV Iran trong khu vực".
Đăng Nguyễn - EurAsian Times