Nga đã tăng số lần máy bay quân sự xuất kích trên lãnh thổ Ukraine trong 2 ngày qua, lên tới 300 lần trong vòng 24 giờ, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm 21/3.
Nhưng Nga vẫn chưa chiếm được ưu thế trên không so với Ukraine.
Vị quan chức này, nói với điều kiện giấu tên, cho biết, Ukraine cũng đã tăng tốc độ các lần xuất kích máy bay quân sự của họ, nhưng từ chối cung cấp con số cụ thể.
Hầu hết các chuyến bay quân sự đều liên quan đến các cuộc không kích, chủ yếu vào các mục tiêu cố định và máy bay Nga không dành nhiều thời gian trên không phận Ukraine, vị quan chức này cho biết. Quân đội Ukraine đã tiếp tục sử dụng các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm xa và máy bay không người lái của họ để nhắm mục tiêu vào máy bay Nga.
Người Nga cũng đã tăng cường hoạt động hải quân ở phía Bắc Biển Đen, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy vào thời điểm này về một cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa, vị quan chức Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, hôm 21/3, các nhà chức trách ở thành phố cảng Odessa bên bờ Biển Đen cho biết, một số ngôi nhà dân sự ở ngoại ô đã bị hư hại trong một cuộc pháo kích.
Hội đồng Thành phố cho biết, một đám cháy theo sau cuộc tấn công đã nhanh chóng được dập tắt và không có thương vong.
"Chúng tôi sẽ không rời Odessa và chúng tôi sẽ chiến đấu vì thành phố của mình", Thị trưởng Gennadiy Trukhanov cho biết khi đến thăm một khu dân cư dường như đã bị trúng đạn pháo.
Odessa, ở miền Tây Ukraine, không xa biên giới với Moldova, cho đến nay phần lớn vẫn chưa bị tàn phá bởi cuộc xung đột.
Các báo cáo về cuộc tấn công chưa được xác minh một cách độc lập, Times of Israel cho biết.
Odessa, được mệnh danh là hòn ngọc của Biển Đen, đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đụng độ ngay từ khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2 vì thành phố này vừa là một mục tiêu mang tính biểu tượng vừa là một mục tiêu chiến lược.
Nga không kích căn cứ quân sự ở miền Tây Ukraine
Một căn cứ quân sự ở vùng Rivne, miền Tây Ukraine, đã bị trúng tên lửa hôm 21/3.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, "tên lửa hành trình phóng từ trên không có độ chính xác cao" đã bắn trúng một trung tâm huấn luyện được sử dụng bởi các binh sĩ Ukraine cũng như binh sĩ nước ngoài. Hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine cho biết, hai đợt tấn công đã trúng một trường bắn.
Cuộc tấn công đã được xác nhận bởi thị trưởng Rivne, Alexandr Tretiak, thông qua tài khoản Telegram của ông, EFE đưa tin.
"Dựa trên thông tin ban đầu, một số người đã bị thương. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin chi tiết sau", ông nói.
Nga nói về trung tâm mua sắm bị đánh bom ở Kiev
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 21/3 thừa nhận rằng Nga đã tấn công một trung tâm mua sắm ở ngoại ô Kiev, theo trang DW.
Ông Konashenkov cho biết, các lực lượng Ukraine đang sử dụng nó để chứa tên lửa nhằm chống lại quân đội Nga.
“Các khu vực gần trung tâm mua sắm được sử dụng như một căn cứ lớn để cất giữ đạn tên lửa và nạp đạn cho nhiều bệ phóng tên lửa”, ông Konashenkov nói với các phóng viên.
“Các vũ khí tầm xa chính xác cao vào rạng sáng ngày 21/3 đã phá hủy một khẩu đội pháo phản lực phóng loạt của Ukraine và một kho đạn trong một trung tâm mua sắm không hoạt động”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Tuyên bố của ông Konashenkov không thể được xác minh một cách độc lập, theo DW.
Theo các quan chức Ukraine, vụ đánh bom vào trung tâm mua sắm ở quận Podil đông dân cư đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.
Ukraine sẽ không chấp nhận tối hậu thư của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đất nước của ông sẽ không cúi đầu trước các tối hậu thư từ Nga về việc chấm dứt chiến tranh.
Nói với truyền thông địa phương, ông Zelesky cho biết, Moscow muốn Ukraine "giao nộp" Kharkiv, Mariupol và Kiev, đồng thời khẳng định rằng cả người dân của những thành phố đó "và tôi, với tư cách là tổng thống, đều không thể làm điều này".
Tuyên bố của ông Zelesky được đưa ra sau khi Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine ở thành phố cảng Mariupol, miền Đông Nam nước này, hạ vũ khí trước rạng sáng ngày 21/3 để có thể rời đi an toàn.
Rạn nứt trong mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh Trung Đông
Trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đang thống trị các cuộc thảo luận trên khắp thế giới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang thúc đẩy sự thống nhất toàn cầu chống lại cái mà họ gọi là “lựa chọn chiến tranh” của ông Putin.
Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, cuộc xung đột đã làm nổi lên những rạn nứt trong một số liên minh nổi bật nhất của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê-út.
UAE và Ả Rập Xê-út dường như đang gửi một thông điệp tới Mỹ, Kristian Coates Ulrichsen, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông tại Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice (Mỹ), nói với Al Jazeera. Có vẻ UAE và Ả Rập Xê-út đang theo đuổi lợi ích riêng của họ, họ sẽ hành động dựa trên lợi ích của chính họ chứ không phải dựa trên những gì người khác nói.
EU sẽ thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 người
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một chiến lược quốc phòng mới được thiết kế để nâng cao năng lực hành động của khối, bao gồm thiết lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 người.
“Đó không phải là câu trả lời cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng đó là một phần của câu trả lời”, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cho biết tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của khối.
Kế hoạch đã được thực hiện trong 2 năm nhưng đã được sửa lại vào phút chót để tăng cường tập trung vào các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
“Khi chúng tôi bắt đầu kế hoạch này, chúng tôi không thể ngờ rằng vào thời điểm phê duyệt cuối cùng, tình hình lại tồi tệ đến vậy và châu Âu sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn như vậy”, ông Borrell cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói với các phóng viên trước cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao EU tại Brussels rằng "Đức có thể cung cấp lực lượng quân sự nòng cốt" cho lực lượng phản ứng nhanh, theo DW.
Nga sẵn sàng trao đổi hơn 500 người Ukraine bị bắt
Nga đã chuyển thông tin chi tiết về hơn 500 người Ukraine bị bắt cho Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ủy viên nhân quyền của Nga cho biết.
“Đây là những tù nhân Ukraine mà chúng tôi sẵn sàng trao đổi”, bà Tatyana Moskalkova cho biết.
Theo ủy viên nhân quyền của Điện Kremlin, tài liệu đã được gửi đến Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế để tạo điều kiện trao đổi với những người lính Nga bị bắt. Hội Chữ thập đỏ đã không xác nhận các tuyên bố.
Trong một diễn biến khác có liên quan, AFP cho biết, người đứng đầu Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer sẽ tới Moscow trong tuần này để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm các nỗ lực đảm bảo các chuyến thăm hỏi đối với các tù nhân chiến tranh của cả hai bên xung đột.
Ông Maurer nói với AFP rằng ông dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Nga.
Ông Maurer cũng hy vọng sẽ đạt được một số tiến bộ trong các vấn đề về tù nhân chiến tranh, người đã thiệt mạng, hành vi thù địch, liên quan đến các công ước Geneva về đối xử với những người bị giam giữ trong xung đột.
ICRC vẫn chưa tiếp cận được với các tù nhân chiến tranh của hai bên xung đột.
Điện Kremlin: Cấm vận dầu Nga không ảnh hưởng đến Mỹ
Điện Kremlin hôm 21/3 cho biết, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp có lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, gây ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng của lục địa này, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến Mỹ.
Một số ngoại trưởng của Liên minh châu Âu đang thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ như một phần của vòng trừng phạt dự kiến tiếp theo đối với Nga, trong nỗ lực trừng phạt Moscow về các sự kiện ở Ukraine, Reuters cho biết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong cuộc họp hội nghị hàng ngày: “Một lệnh cấm vận như vậy sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, tác động rất xấu đến cân bằng năng lượng ở lục địa châu Âu”.
Bản thân Moscow cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến Nga đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu. Hiện tại, 27 quốc gia EU phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% khí đốt, và Đức nằm trong số các nền kinh tế lớn của khối này phụ thuộc nhiều nhất vào Nga về năng lượng. Và EU đang bị chia rẽ về cách giải quyết vấn đề năng lượng.
"Người Mỹ sẽ vẫn như thường và sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều so với người châu Âu (trong trường hợp cấm vận dầu mỏ). Điều này sẽ khó đối với người châu Âu - một quyết định như vậy sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người", ông Peskov cảnh báo.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters, Times of Israel)