Đang soạn giáo án thì khói lửa nghi ngút
“Cô chịu khó bồi dưỡng sức khỏe để nhanh chóng trở lại dạy chúng con nhé!”, câu nói của một nam sinh khiến cô giáo Trần Thị Thanh Hương, nạn nhân bị thương trong vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhớ mãi.
Cô giáo Trần Thị Thanh Hương.
Sở dĩ cô Hương ấn tượng với câu nói trên bởi cậu học trò này rất kiệm lời. Đây là câu nói đầu tiên và là câu dài nhất cô Hương nhận được từ nam sinh này sau 3 năm chủ nhiệm lớp.
Cô Hương có vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi 36, nhẹ nhàng, điềm đạm, nhưng có đôi mắt đượm buồn sau biến cố. Đối với cô Hương, cú sốc lớn nhất vào giữa tháng 9 khi chung cư mini trên phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), nơi gia đình cô sinh sống 7 năm gặp hỏa hoạn.
Nhớ lại đêm định mệnh, cô Hương nói, khuya 12/9, khi đang soạn giáo án, cô thấy khói, lửa bốc lên ngùn ngụt. Hai vợ chồng cô vội bảo hai con lớn, bé gái 9 tuổi và bé trai 8 tuổi chạy lên sân thượng tầng 9 để tránh khói.
Còn hai vợ chồng cô Hương cùng con gái 27 tháng tuổi ở trong phòng, lôi hết chăn, giật rèm cửa xuống ngâm nước, bịt các khe cửa để ngăn khói. Lúc này khói, lửa bùng lên dữ dội, không còn cách nào khác, từ tầng 4 cửa thoát hiểm, chồng của cô giáo vứt chăn xuống mái tôn nhà hàng xóm, bế con 27 tháng nhảy xuống trước, cô giáo nhảy xuống sau.
Bức ảnh cả gia đình cô Hương có đầy đủ thành viên trong nhà.
“Biết là nguy hiểm và sẽ bị chấn thương nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn”, cô Hương nhớ lại.
Cú nhảy giúp ba người thoát chết, nhưng họ cũng phải chịu chấn thương nặng. Hai con lớn của cô Hương do tình hình hỗn loạn nên hai cháu lạc mất nhau. Con trai chạy lên đến tầng 6, được người dân kéo vào phòng tránh khói độc, chờ đội cứu hộ và may mắn được giải cứu thành công. Còn con gái cả thì thất lạc và sau đó tử vong.
Thoát chết, cô Hương bị chấn thương cột sống, phải nằm viện để phẫu thuật. Những ngày điều trị trong viện, cô sống chung với những cơn đau do đốt sống bị gãy. Nhờ có sự động viên, khích lệ từ người thân, đồng nghiệp và học trò nên cô tự nhủ phải cố gắng “không để mọi người thấy hình ảnh đau buồn, sức khoẻ yếu”.
Thậm chí, có những phụ huynh khi hay tin cô gặp nạn cũng vội vã chạy vào trong viện, họ đứng ngoài cửa, mắt đỏ hoe, khóc khi nhìn thấy cô nằm trên giường bệnh.
Các con và học trò là động lực lớn
Bác sĩ nói cô chuyển biến từng ngày, khi cử động được cô tự làm mọi việc để chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Hai tháng sau vụ cháy, sức khỏe dần ổn định, cô Hương về nhà tự tập luyện, vận động. Cô thuê một căn nhà tạm ở trong ngõ Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cả gia đình sinh sống.
“Các con và học trò là động lực lớn nhất giúp tôi bình tâm trở lại kể từ đêm định mệnh ấy”, cô Hương nước mắt giàn giụa nói.
Cô Hương bật khóc khi nhắc lại đêm định mệnh.
Điều cô Hương luôn day dứt và chưa thể vượt qua được là hình ảnh cô con gái đang học lớp 4 bị mất trong vụ hỏa hoạn. Những ngày đầu cô không dám đối mặt với sự thật, lúc khóc, lúc sợ hãi, lúc tự dối mình rằng con vẫn còn sống, lúc lại gào khóc đau đớn khi phát hiện ra sự thật.
Từ khi xảy ra chuyện, hôm nào cô cũng khóc và nhớ về con. Cô nhớ những ngày con gái tan học, vui vẻ đến trường chờ mẹ hết tiết dạy rồi về. Hay những hôm bé tíu tít nói chuyện với bác bảo vệ ngoài sân trường, khoe kết quả học tập trong ngày.
“Mỗi lần đến chỗ tôi dậy, con chạy khắp nơi trong khuôn viên trường để chơi. Bé là người nhanh mồm, nhanh miệng luôn được mọi người yêu quý. Đây là lý do lớn nhất khiến tôi chưa đủ can đảm để đi làm. Tôi chỉ mong những gì đã qua là một giấc mơ để cho mình sớm tỉnh lại”, cô Hương nghẹn ngào nói.
Đã nhiều ngày trôi qua, cô Hương cũng cố gắng để vui vẻ hơn, để buông bỏ, để quên đi, để không khóc, không hối tiếc nhiều nữa, nhưng rất khó. Bản thân cô cũng muốn vui vẻ trở lại để mọi người đỡ lo mà không làm được. Thậm chí, cô sợ tiếp xúc với mọi người (trừ người nhà). Cô sợ ra đường nhỡ ai nhìn thấy lại hỏi thăm thì sao? Lúc nào cô cũng chỉ biết "ước gì, giá như...".
“Trên đời này, tình yêu thương lớn nhất, thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất là tình mẫu tử. Không có tình cảm nào có thể vượt qua được tình yêu này. Nhưng cũng chính vì thế mà không có nỗi đau nào có thể lớn hơn nỗi đau mất con”, cô Hương nói đầy xót xa.
Những tin nhắn học sinh gửi đến cô giáo Hương.
Ra trường và gắn bó với nghề giáo từ năm 2009, cô Hương có hơn 14 năm, dạy môn sinh học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội). Cô bảo, có lẽ 20/11 năm nay là lần đầu tiên cô đón ngày tôn vinh trong một bối cảnh khác. Những bó hoa và lời chúc được học trò gửi qua điện thoại kèm những dòng tin nhắn ngóng trông cô sớm quay lại lớp.
“Các em mong ngóng tôi từng ngày quay lại lớp. Hôm nào cũng nhắn tin hỏi thăm sức khoẻ của tôi và xin địa chỉ nhà để đến chơi. Hy vọng sang tháng 12 tôi có thể đi làm và tiếp tục cuộc sống bình thường. Thực sự, những ngày ở nhà tôi rất nhớ học sinh, nhớ trường lớp, đã nhiều lần tôi nằm mơ mình đi dậy”, cô Hương đôi mắt đỏ hoe nói.
Chỉ vào bức ảnh cả gia đình vừa mới chụp, cô Hương bảo, đây là bức ảnh duy nhất có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Bây giờ cô chỉ mong có sức khỏe và tinh thần thật tốt để vượt qua mất mát. Thời gian qua đi sẽ chữa lành vết thương, để khi đến trường cô không oà khóc vì nhớ con.
Quỳnh An