Trong quá trình điều trị bệnh dạ dày suốt 30 năm, bác sĩ Điền Diễm Đào – trưởng khoa Phẫu thuật Tuỵ và Dạ dày tại Bệnh viện Ung bướu, thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc chỉ ra một hiểu lầm mà nhiều người trẻ hiện nay vẫn tin về ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày chỉ là bệnh của người già, không liên quan tới người trẻ
Nhiều người trẻ cho rằng, ung thư dạ dày chỉ là bệnh của người già, không liên quan gì đến người trẻ. Trên thực tế, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ngày càng trẻ hoá, thậm chí có cả thanh thiếu niên.
Theo một khảo sát trên 39.000 người dưới tuổi 40 ở Mỹ từ năm 1977 tới năm 2006, kết quả cho thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở những người trẻ tuổi từ 25 - 39 tăng đáng kể (tỷ lệ trên 100.000 người tăng từ 0,27 lên 0,45).
Ung thư dạ dày ngày càng trẻ hoá.
Một số loại ung thư dạ dày, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào nhẫn đang gia tăng, chủ yếu ở phụ nữ trẻ. Cơ sở dữ liệu SEER của Mỹ cho thấy phụ nữ trẻ dưới 45 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, khối u của họ thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.
Nghiên cứu của Hàn Quốc cũng cho thấy phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào nhẫn cao và tiên lượng xấu hơn.
Xu hướng trẻ hoá trong ung thư dạ dày là chủ đề nóng ngày càng được nhiều người quan tâm. Dù mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về sức khỏe của bản thân nhưng một số người trẻ vẫn tin rằng, ung thư dạ dày không thể xảy ra với mình.
Trên thực tế, ung thư dạ dày là căn bệnh liên quan mật thiết đến lối sống và thói quen ăn uống. Giới trẻ hiện đại về thường có những thói quen xấu như ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều, đó đều là yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày.
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, người trẻ nên đặc biệt chú ý những điểm sau:
- Yếu tố di truyền
Nếu có người thân thế hệ thứ nhất (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh ung thư dạ dày, khả năng bạn mắc bệnh ung thư dạ dày sẽ cao hơn so với mặt bằng chung.
Nhóm nguy cơ này nên cảnh giác với các triệu chứng ở bụng ở mọi lứa tuổi, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết và khám sức khoẻ định kỳ dù không có triệu chứng.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Nhiều dữ liệu cho thấy việc giảm tỷ lệ mắc ung thư dạ dày có liên quan chặt chẽ đến việc loại bỏ vi khuẩn HP. Vì vậy, muốn phòng ngừa ung thư dạ dày, cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học.
Nếu một thành viên trong gia đình bị phát hiện nhiễm HP, những người còn lại nên tránh gắp thức ăn cho nhau. Người bệnh cần tuân thủ sự hướng dẫn nghiêm ngặt của bác sĩ, uống thuốc đều đặn để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc tái phát bệnh.
Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân gây hôi miệng chính là do nhiễm khuẩn HP. HP sống trong dạ dày, thủy phân urê thông qua urease để tạo ra amoniac. Chúng ta biết rằng, amoniac là một loại khí có mùi hôi đặc trưng, không những thế HP còn có thể gây viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Trên thế giới có nhiều người bị nhiễm HP, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển.
Nhiễm vi khuẩn HP có thể gây khó chịu ở vùng bụng trên, đau, buồn nôn và các triệu chứng khác, đồng thời có thể làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày lên 5,9 lần trong vòng 10 năm kể từ khi nhiễm vi khuẩn.
Các đường lây truyền của HP bao gồm đường miệng, đường phân hoặc thói quen ăn uống không hợp vệ sinh. Bạn nên tránh tiếp xúc gần gũi lâu dài với người bị bệnh, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống sẽ phòng ngừa được việc nhiễm khuẩn HP.
Phan Hằng (Theo Health)