Mua lại nhà ở xã hội có được không?

Mua lại nhà ở xã hội có được không?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 29/07/2020 16:29

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước do vậy khi chuyển nhượng phải đáp ứng được một số điều kiện chuyển nhượng nhà ở xã hội nhất định.

Có được phép mua lại nhà ở xã hội?

Theo khoản 5 Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP người mua nhà ở xã hội được quyền bán nhà ở xã hội theo 2 trường hợp.

Trường hợp 1, chưa đủ 5 năm

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội, nếu có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Được quyền bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.

Lưu ý, người bán không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Thời hạn 5 năm được tính kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán.

Trường hợp 2, đủ 5 năm

Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế. Trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo điểm b khoản 2, điểm d khoản 6 điều 63 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, người bán lại suất nhà ở xã hội sai quy định sẽ bị phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng và bị thu hồi nhà ở xã hội.

Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Bất động sản - Mua lại nhà ở xã hội có được không?

Mua lại nhà ở xã hội có được không? (Ảnh minh họa)

Chi phí khi chuyển nhượng nhà ở xã hội

Trong trường hợp 2 khi chuyển nhượng nhà ở xã hội thì phải thực hiện những nghĩa vụ như: Nộp tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ… (tiền sử dụng đất sẽ tính khác so với nhà ở thông thường).

Tiền sử dụng đất

Theo Điều 6 Thông tư 139/2016/TT-BTC khi bán nhà ở xã hội thì phải nộp tiền sử dụng đất như sau:

- Nếu là chung cư: Người bán phải nộp cho ngân sách nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; được xác định như sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x Diện tích căn hộ x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất

- Nếu là nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất và được xác định như sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = Diện tích đất x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất

Trong đó, hệ số phân bổ = Diện tích căn hộ bán/Tổng diện tích sàn tòa nhà (Diện tích căn hộ bán chia cho tổng diện tích sàn tòa nhà).

Thuế thu nhập cá nhân

Theo Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC thuế thu nhập cá nhân phải nộp được tính như sau:

Thuế thu nhập cá nhân = Giá chuyển nhượng x 2%

Lệ phí trước bạ

Khi làm thủ tục sang tên thì phải nộp lệ phí trước bạ với mức tiền như sau:

Lệ phí trước bạ = Giá chuyển nhượng x 0.5%

Rủi ro khi mua nhà ở xã hội

Trong thực tế, nhiều trường hợp đã "lách luật" bằng cách bán theo dạng hợp đồng ủy quyền, sau thời hạn 5 năm sẽ thực hiện sang tên theo quy định. Tuy nhiên, việc "lách luật" này tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua.

Cụ thể, đối với hình thức lập vi bằng và hợp đồng hứa mua hứa bán, đây lại loại hình mua bán trong tương lai, có giá trị khi hai bên tuân thủ nó nhưng khi 1 trong 2 tranh chấp thì người mua luôn bị thiệt thòi vì đây không phải là giao dịch bảo đảm.

Còn với việc lập di chúc, lại càng rủi ro, vì di chúc thể hiện ý chí của người lập, việc này có thể thay đổi. Do đó, không có gì là chắc chắn nếu bên bán thay đổi nội dung di chúc… Còn hợp đồng ủy quyền càng rủi ro hơn, bởi theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc thu hồi, quyền lợi của người mua khó được đảm bảo bởi nếu có tranh chấp phải giải quyết tại tòa án, khả năng rất cao tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng ủy quyền nêu trên vô hiệu do giả tạo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ở đây, hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch dân sự mua bán nhà sẽ bị vô hiệu theo quy định nêu trên.

Nếu bị cơ quan Nhà nước thu hồi do vi phạm quy định về việc mua bán nhà ở xã hội, việc đòi hỏi quyền lợi ở đây là rất khó khăn bởi bên mua không phải là chủ sở hữu, đặc biệt là trường hợp người bán không hợp tác.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.