Nhiều năm qua, câu chuyện mua sách giáo khoa (SGK) phải mua kèm sách bài tập, tham khảo vẫn là thứ được nhắc đến mỗi khi năm học mới bắt đầu. Nguyên nhân là bởi, có đến hơn nửa số tiền mà phụ huynh bỏ ra là để chi trả cho những cuốn sách bài tập, sách tham khảo mà con em họ thậm chí sẽ không phải dùng khi đi học. Nghe qua có thể thấy mẫu thuẫn, tại sao không học nhưng cha mẹ vẫn “đành” phải mua như vậy ?
Tại sao lại nói có “dấu hiệu lợi ích” nhóm?
Phần nào câu trả lời đã được thể hiện thông qua kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 được công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, ngay trong giai đoạn 2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 2372 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành (Nội dung này kết luận thanh tra khẳng định là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT).
Văn bản này gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thiết kế hàng chục đầu sách bài tập
Những tưởng khi Chương trình GDPT 2018 được thực hiện, xã hội hoá SGK, NXB Giáo dục Việt Nam không còn là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, độc quyền xuất bản, kinh doanh SGK thì chuyện “bán bia kèm lạc” SGK sẽ không còn nhưng trên thực tế nó vẫn kéo dài và là nguyên nhân giá bộ SGK tăng cao.
Cụ thể, căn cứ theo danh mục sách tham khảo, sách bài tập của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển giáo dục Phương Nam (SEDIDCO) và Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục miền Nam (SOBEE) là 2 đơn vị thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam tại phía Nam có đến hàng chục quyển sách bài tập thuộc nhiều bộ sách khác nhau để phục vụ cho đầy đủ các khối lớp.
Dưới cái tên Bộ sách thực hành lớp 1 (Theo Chương trình GDPT 2018), chỉ riêng đối với khối 1 đã có 14 cuốn sách bài tập, là các sách: “Bài thực hành tập Tiếng Việt” (Tập,1,2), “Bài tập thực hành chính tả”, “Bài tập thực hành đọc hiểu”, “Bài tập thực hành toán”, “Bài tập thực hành đạo đức”,…
Vẫn tên những cuốn bài tập kể trên sang đến khối lớp 2, bên phía SEDIDCO có 19 cuốn bài tập để “phục vụ” các em học sinh. Giá mỗi cuốn này dao động từ 20.000 đồng – 56.000 đồng.
Chưa dừng lại ở đây, NXB này còn chia ra sách tham khảo lớp 1,2 theo Bộ SGK Chân trời sáng tạo có tổng số 48 cuốn. Với những cái tên như: “Em tập viết đúng viết đẹp lớp 1”, “Vui học cùng chữ viết lớp 1”, “Vui học chính tả 1”, “Vui học Tiếng Việt 1”,… Đối với bộ sách này, giá mỗi cuốn này dao động từ 20.000 đồng – 40.000 đồng.
Với Bộ sách Vui học – Vui đọc, còn có nhiều cái tên như: "Vui đọc thơ văn lớp 1”, "Vui đọc thơ văn lớp 2”, “Vui học cùng chữ viết lớp 1”, "Vui học chính tả 1”. Giá mỗi cuốn này dao động từ 25.000 đồng – 40.000 đồng.
Chỉ một vài liệt kê có thể thấy qua, tên các cuốn sách đa phần là chỉ chung một mục đích luyện viết, luyện làm văn nhưng có đến hàng chục đầu sách NXB thiết kế ra để bán cho phụ huynh.
Về phía SOBEE, danh mục tài liệu tham khảo cho học sinh năm học 2022-2023 đối với khối tiểu học là 27 cuốn, trong đó số sách nhiều nhất là lớp 2 với các sách như: “Phiếu ôn tập cuối tuần môn Toán lớp 2”, “Phiếu ôn tập cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 2”, “Ôn tập, đánh giá định kì môn Tiếng Việt lớp 2”, “Ôn tập, đánh giá định kì môn Toán lớp 2”, "Phiếu ôn tập hè môn Toán lớp 2”, "Phiếu ôn tập hè môn Tiếng Việt lớp 2. Giá dao động từ 35.000-42.000 đồng.
Gánh nặng đè lên vai phụ huynh
Trước việc phải mua quá nhiều sách bài tập không dùng đến, nhiều phụ huynh đã phải tìm giải pháp cho mình bằng cách tự mua sách lẻ.
Có con học lớp 3, Chị Trần Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Có nhiều sách sách và vở bài tập như Hoạt động trải nghiệm, sách Giáo dục nếp sống, tài liệu Giáo dục An toàn giao thông phần lớn là các con không được sử dụng.
Nhiều môn hoạt động trải nghiệm được diễn ra vào các tiết sinh hoạt dưới cờ hoặc cuối tuần, các con sẽ được tham gia chương trình do nhà trường tổ chức. Vì vậy hoàn toàn không dựa vào nội dung sách, nếu phải mua thì rất lãng phí”.
Cũng có con vừa học hết lớp 2, anh Quân (Ba Đình, Hà Nội) cho biết theo bảng giá sách mà nhà trường gửi cho vị phụ huynh này từ đầu năm học, trọn bộ SGK, sách bài tập, và sách tiếng Anh dành cho lớp 2 có giá lên đến 510.000 đồng với hơn một nửa số sách trong bộ là sách bài tập.
“Ngoài trừ sách tiếng Anh, bộ sách của con tôi gồm 23 cuốn nhưng chỉ có 9 cuốn trong số đó là SGK, hơn một nửa là các vở bài tập, tập viết, tài liệu”, anh Quân chia sẻ.
Vị phụ huynh này cũng bày tỏ rằng khi phải mua các vở tập viết và vở bài tập như vậy rất lãng phí, không tái sự dụng được, giá thành lại cao.
Đánh giá về việc “bán bia kèm lạc” khi mua SGK, trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Ngoài các sách bắt buộc, học sinh phải mua cả sách bài tập, sách tham khảo vẫn đang diễn ra phổ biến. Trên thực tế người học, người dạy không thể lựa chọn sách bài tập theo nhu cầu của mình”.
Chuyên gia nhấn mạnh thêm, trong giáo dục mở hiện nay, SGK không nên tuyệt đối đúng mà phải tham khảo kiến thức ở nhiều tài liệu khác nhau.
Tài liệu đó có thể tìm rất nhiều ở những sách, báo nghiên cứu khác, đa dạng và chính xác hơn rất nhiều khi chỉ bó hẹp trong những cuốn sách tham khảo.