Năm 2023, phát động toàn quốc cuộc vận động tiết kiệm, chống lãng phí

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 19/11/2022 11:02

Nghị quyết yêu cầu tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước.

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 74 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Tiêu điểm - Năm 2023, phát động toàn quốc cuộc vận động tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, khung khổ pháp lý liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được hoàn thiện, chất lượng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đến năm 2020 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỉ lệ hài hòa khoảng 60%.

Quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng.

Bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển…

Xử lý nghiêm minh các sai phạm

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết xác định rõ, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Cùng với đó, cần tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiêu điểm - Năm 2023, phát động toàn quốc cuộc vận động tiết kiệm, chống lãng phí (Hình 2).

Các ĐBQH nhấn nút biểu quyết.

Nghị quyết đề ra kế hoạch, từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng theo Nghị quyết, cần đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan.

Tiêu điểm - Năm 2023, phát động toàn quốc cuộc vận động tiết kiệm, chống lãng phí (Hình 3).

Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng.

Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.

Thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí.

Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.