Với thời gian đào tạo dài và yêu cầu xét tuyển đặc thù, nhóm các trường Y dược luôn đứng đầu về điểm xét tuyển đầu vào, những năm gần đây cũng kết hợp các tiêu chí phụ nhằm tìm ra được những thí sinh phù hợp.
Tổ chức tuyển sinh 4 ngành gồm Dược học, Hóa dược, Hóa học và Công nghệ sinh học với tổng chỉ tiêu 940, Trường Đại học Dược Hà Nội luôn nằm trong những top trường được quan tâm ở khối ngành A00 và B00.
Để hiểu rõ nhu cầu xét tuyển và vị trí việc làm của các ngành, Người Đưa Tin đã trao đổi với PGS.TS. Đỗ Hồng Quảng - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Dược Hà Nội.
Theo đó, ông Quảng cho biết: “Ngành Dược học vẫn được lượng lớn thí sinh quan tâm, tuy nhiên các em có thể tìm hiểu những ngành đào tạo khác của nhà trường để xác định được chương trình phù hợp với bản thân”.
Ngành Hóa dược đào tạo nhằm đáp ứng phát triển ngành công nghiệp hóa dược của Việt Nam, đặc biệt nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển thuốc mới.
“Sinh viên ra trường sẽ thường làm công việc liên quan đến Làm tổng hợp nguyên liệu làm thuốc tại các xí nghiệp hoá dược, các công ty đang tổng hợp nguyên liệu thuốc”, ông Quảng thông tin.
Đối với ngành Hoá học được định hướng chuyên sâu lĩnh vực phân tích, kiểm nghiệm thuốc. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ làm việc trong các phòng phân tích kiểm nghiệm thuốc tại doanh nghiệp, Viện kiểm nghiệm thuốc, Trung tâm phân tích, kiểm nghiệm thuốc,…
“Ngành Công nghệ sinh học là một trong những ngành đang được quan tâm nhất đặc biệt sau đại dịch Covid-19, điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học nội dung này”, PGS.TS. Đỗ Hồng Quảng chia sẻ.
Tuy nhiên, được đánh giá là nhóm ngành đặc thù, có những yêu cầu riêng đại diện Trường Đại học Dược Hà Nội cũng lưu ý các em cần đọc kỹ các phương án tuyển sinh, tập trung thật tốt cho kỳ thi hạn chế tối thiếu sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng. Nhiều năm nay phương án tuyển sinh của các trường đã khá ổn định, vấn đề còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và lựa chọn của các em.
Trường Đại học Dược Hà Nội dự kiến tuyển 940 sinh viên theo bốn phương thức, dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao.
Trường giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét kết hợp học bạ THPT với chứng chỉ SAT, ACT hoặc xét kết quả học tập đối với học sinh chuyên; Dựa vào điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở 4 ngành mới, gồm: Kỹ thuật Phục hình răng, Hộ sinh, Tâm lý và Công tác xã hội với khoảng 50 - 70 chỉ tiêu/ngành.
Đại diện Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo chia sẻ nhà trường vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Cùng với đó dành 40% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng đào tạo theo chương trình tiên tiến.
Ngoài ra, nhà trường tổ chức đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa 2 mã ngành mới mở năm trước là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Trước đó, thông tin với Người Đưa Tin, GS.TS. Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Y dược Tp.HCM thông tin dự kiến năm nay nhà trường sẽ có thay đổi liên quan đến phương thức xét tuyển, trong đó tính toán đến việc sẽ thêm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như chứng chỉ SAT.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ sẽ chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm để tạo sự công bằng cho thí sinh dự thi và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận đến nay.