Nền kinh tế top đầu châu Á đang phục hồi đúng hướng

Nền kinh tế top đầu châu Á đang phục hồi đúng hướng

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 25/01/2022 19:00

Lợi thế xuất khẩu chất bán dẫn được cho là sẽ giữ vững đà tăng trưởng của Hàn Quốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất 11 năm qua vào năm 2021 nhờ nguồn thu từ xuất khẩu và hoạt động xây dựng tăng vọt. Sự mở rộng này làm dịu đi tác động của những suy giảm trong vốn đầu tư và sự phục hồi chậm trong các lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng bởi coronavirus.

Sự phục hồi của Hàn Quốc vẫn đi đúng hướng trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở rộng với tốc độ nhanh hơn, được hỗ trợ bởi nhu cầu xuất khẩu vững chắc và tiêu thụ tăng trong thời gian dịch bệnh tạm lắng trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

GDP của Hàn Quốc tăng 1,1% trong quý IV so với quý III năm 2021, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương nước này cho thấy hôm 24/1. Điều đó phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế.

So với cùng kỳ năm 2020, nền kinh tế đã tăng 4,1% trong quý IV/2021, trong khi tăng trưởng hàng năm vào năm 2021 tăng 4%, phù hợp với dự báo trước đó của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), và đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010.

Mức tăng củng cố quan điểm của BOK rằng nền kinh tế tổng thể đang duy trì đủ động lực khi Ngân hàng Trung ương siết chặt chính sách.

BOK đã thực hiện 3 đợt nâng lãi suất chuẩn kể từ khi bắt đầu chu kỳ siết chính sách vào tháng 8/2021, và đưa ra dấu hiệu rằng họ có thể tăng chi phí đi vay hơn nữa khi lạm phát trở thành mối lo ngại lớn.

Xuất khẩu đã trở thành trụ cột của nền kinh tế trong năm 2021, với giá trị đạt mức kỷ lục khi thương mại toàn cầu phục hồi sau đại dịch và nhu cầu đối với hàng công nghệ tiếp tục tăng cao.

Thế giới - Nền kinh tế top đầu châu Á đang phục hồi đúng hướng

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã thực hiện 3 đợt nâng lãi suất chuẩn kể từ khi bắt đầu chu kỳ siết chính sách vào tháng 8/2021. Ảnh: Central Banking

Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục tăng trong quý IV, mở rộng với tốc độ nhanh hơn là 4,3%.

Tiêu dùng tư nhân cũng phục hồi, với mức tăng 1,7% trong giai đoạn trước khi biến thể Omicron xuất hiện, tức là khi dịch bệnh ở Hàn Quốc tạm lắng, một phần nhu cầu nội địa bị dồn nén được giải phóng, và các hạn chế được dỡ bỏ để đất nước chuẩn bị cho quá trình “sống chung với Covid”.

Chi tiêu công tăng 1,1%, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng giảm 0,6%.

Lợi thế xuất khẩu chất bán dẫn

Kể từ khi Omicron xuất hiện và hoành hành, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc đã tăng vọt lên các mức kỷ lục. Chính phủ Hàn Quốc đã 2 lần mở rộng các hạn chế trong tháng 1, nhưng nới lỏng giới hạn số người được phép có mặt trong các buổi tụ tập riêng tư.

Làn sóng dịch bệnh mới bùng phát không ngăn được BOK tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách mới nhất vào đầu tháng này, nhưng nó đã tạo ra sự không chắc chắn mới về triển vọng của nền kinh tế.

Hôm 14/1, Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất chuẩn lên mức trước đại dịch và báo hiệu rằng họ có thể siết chặt chính sách hơn nữa khi áp lực tăng trưởng và lạm phát vẫn còn mạnh.

BOK cũng dự kiến GDP Hàn Quốc sẽ tăng 3% trong năm nay do nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được hưởng lợi từ lợi thế xuất khẩu chất bán dẫn và tăng chi tiêu công.

“Nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm chip của chúng tôi đang phục hồi và xuất khẩu mạnh sẽ giữ vững đà tăng trưởng của Hàn Quốc”, Hwang Sang-pil, Trưởng Ban Thống kê Kinh tế của BOK, cho biết.

Tuần trước, Chính phủ đã công bố kế hoạch chi thêm 14 nghìn tỷ Won (11,7 tỷ USD) ngân sách để giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn vượt qua làn sóng Covid-19 mới nhất.

Cả 2 ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 đều đã kêu gọi hỗ trợ chi tiêu nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi trong bối cảnh các hạn chế mới được áp đặt.

Cuộc họp chính sách tiếp theo của BOK vào tháng 2 sẽ là cuộc họp cuối cùng của Thống đốc Lee Ju-Yeol. Ông Lee cho biết, việc lãi suất chuẩn ở mức 1,5%, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với mức hiện tại, không nên được coi là thắt chặt chính sách.

Thế giới - Nền kinh tế top đầu châu Á đang phục hồi đúng hướng (Hình 2).

Samsung Electronics là công ty sản xuất chip hàng đầu Hàn Quốc và thế giới. Ảnh Wavy

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng trước khi tăng lãi suất một lần nữa, BOK đang “chờ và xem” các diễn biến trong nền kinh tế sau các động thái chính sách trước đó của mình.

BOK cũng sẽ theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của Covid-19, kết quả của cuộc Bầu cử Tổng thống sắp diễn ra và động thái thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Minh Đức (Theo Bloomberg, The Straits Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.