Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ từ bỏ các cam kết an ninh của Mỹ với đồng minh, sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại lưỡng đảng lâu nay về vai trò của Mỹ trên thế giới, ông còn mang đến những chuyển biến đối ngoại bất ngờ ở Trung Đông.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu được bầu vào ngày 3/11 tới, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden có thể xây dựng lại các cầu nối đoàn kết ở Trung Đông với đối tác truyền thống, đồng thời tiếp tục duy trì vị thế răn đe đối với kẻ thù của Mỹ trong khu vực.
Nhiều người kỳ vọng ông Biden sẽ có cách tiếp cận chính sách đối ngoại hoàn toàn khác với ông Trump. Nhưng những kỳ vọng lớn lao này có thể tỏ ra quá lạc quan, vì không thể tránh khỏi việc ông Biden thậm chí còn kế thừa các chính sách và "thành tựu" của chính quyền Trump.
Bất chấp những dự đoán, một số nhà phân tích tin rằng, có thể sẽ không có thay đổi mạnh mẽ nào đối với chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông trong trường hợp Joe Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng mới.
Không quay lại Syria
Nhận định với The New Arab, David Lesch, giáo sư lịch sử Trung Đông tại đại học Trinity ở Texas, nói rằng bất kỳ chính quyền nào trong tương lai của ông Biden đều không muốn tiêu tốn nhiều vốn liếng chính trị bằng cách tham gia vào các vũng lầy rủi ro ở Trung Đông.
Theo đó, ông Biden cũng giống như cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ cố gắng xoay trục về Trung Quốc và Đông Á, đồng thời tránh xa Trung Đông. "Điều này không có nghĩa là ông ấy sẽ bỏ qua Trung Đông, nhưng ông ấy sẽ muốn duy trì hiện trạng ban đầu và không tham gia vào bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào nữa trong khu vực", Lesch nói thêm.
Trong khi ông Biden nhiều lần tuyên bố sẽ khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, nhiều nhà phân tích tin rằng, điều này không nhất thiết bao gồm cách tiếp cận mang tính can thiệp nhiều hơn hay sử dụng vũ lực quân sự.
Theo Bernd Kaussler, giáo sư khoa học chính trị tại đại học James Madison, ông Biden sẽ rất thận trong việc đưa bất kỳ lực lượng quân đội Mỹ nào tới Syria hoặc Iraq, và chắc chắn sẽ tránh xa cuộc chiến ở Yemen. Thay vì chủ nghĩa can thiệp, chính quyền tương lai của ông Biden sẽ cho thấy một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa quốc tế hơn. "Sẽ qua rồi thời kỳ chủ nghĩa biệt lập của Mỹ dưới thời Trump”, Kaussler nói thêm.
Thiết lập lại quan hệ với Saudi Arabia
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất có thể xảy ra đối với lập trường của Mỹ là quan hệ với Saudi Arabia. Hiện tại, Tổng thống Trump đã xây dựng quan hệ ổn định, thậm chí là tránh những lời chỉ trích với quốc gia Ả Rập. Còn về phần mình, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã chỉ trích nặng nề giới lãnh đạo Saudi hiện tại và thậm chí bày tỏ sự ủng hộ đối với những người bất đồng chính kiến. Hơn nữa, bằng cách như ám chỉ Thái tử Mohammed bin Salman có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đình đám – ông Biden đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Riyadh.
"Các đặc vụ Saudi - được cho là hành động theo chỉ đạo của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman - đã sát hại nhà báo cũng như là công dân Mỹ Jamal Khashoggi", ông Biden tuyên bố, đồng thời cho biết sẽ đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia.
Chuyên gia Kaussler cho rằng việc ông Biden nhấn nút khởi động lại quan hệ với Saudi Arabia - buộc Riyadh kết thúc cuộc chiến ở Yemen và phớt lờ lời đề nghị của quốc gia Ả Rập trong việc tăng cường đối đầu với Iran - sẽ là một sự thay đổi chính sách đối ngoại khá dễ dàng.
Ngay cả khi đảng Dân chủ không giành được đa số tại Thượng viện, sẽ không khó để hầu hết các đảng viên Cộng hòa ôn hòa cẩn trọng hơn về hành vi của Saudi Arabia trong khu vực và tăng cường áp lực đối với thái tử nói riêng.
Nhưng việc thiết lập lại quan hệ với Riyadh không nhất thiết có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ khách hàng mua thiết bị quân sự quan trọng nhất. Chuyên gia Kaussler tin rằng nếu ông Biden tiếp tục đàm phán với Iran, điều đó sẽ đi kèm với việc chuyển giao khí tài quân sự của Mỹ cho Riyadh trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo lắng của Saudi khi Mỹ muốn xóa bỏ căng thẳng với Tehran.
Với niềm tin ông Biden sẽ theo đuổi một lập trường mềm mỏng hơn đối với Iran đồng thời chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với sự can thiệp của Saudi Arabia vào Yemen, chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ nếu thành hiện thực vào tháng 11 sẽ không được một số nhà lãnh đạo vùng Vịnh hoan nghênh, bao gồm cả Ai Cập.
Hơn nữa, lập trường mềm mỏng hơn đối với Iran, cùng với lời hứa chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận trong khu vực, cũng ngụ ý một chiến lược dài hạn của Mỹ là cắt giảm các cam kết truyền thống của Mỹ, điều đang gây xáo trộn các nước vùng Vịnh.
Lập trường không rõ ràng về Iran
Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất vẫn là lập trường tương lai của ông Biden đối với Iran. Trong khi cam kết sẽ đưa Washington trở lại hiệp ước hạt nhân JCPOA nếu Tehran tuân thủ đầy đủ điều khoản của thỏa thuận, ông Biden đã thể hiện một quan điểm khác vào tháng 9 vừa qua trong một bài báo trên CNN với tiêu đề "Có một cách thông minh hơn để răn đe Iran".
Đáng ngạc nhiên, quan điểm của ông Biden lại tương đồng với phe diều hâu trong đảng Cộng hòa, vì ông cũng coi Iran là một tác nhân xấu cần chịu áp lực, ngầm báo hiệu rằng ông không hề phản đối các mục tiêu chính trong chiến dịch gây áp lực tối đa của Tổng thống Trump đối với Tehran.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Kaussler, đây có thể là một động thái trước bầu cử từ Biden. Với việc cử tri Mỹ chủ yếu tập trung chú ý vào đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, ông Biden đang hướng tới việc thu hút các đảng viên Cộng hòa ủng hộ cho mình.
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, Iran có thể là một thành công trong chính sách đối ngoại ôn hòa của ông Biden. "Chúng ta có thể chứng kiến điều gì đó quan trọng hơn là một thỏa thuận hạt nhân mới, có lẽ là một hiệp ước không xâm lược nào đó, thậm chí có thể là một con đường để nối lại quan hệ hai bên", chuyên gia Kaussler nói.
Cuối cùng, điều được quan tâm nhất đối với lập trường của ông Biden là xung đột giữa Israel và Palestine. Ứng viên đảng Dân chủ - người tự nhận mình là người theo chủ nghĩa Do Thái - sẽ khó đảo ngược việc chính quyền Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hoặc di dời đại sứ quán Mỹ từ Jerusalem về lại Tel Aviv. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ việc Israel sáp nhập Bờ Tây. Do đó, theo chuyên gia Kaussler, ông Biden sẽ tiếp tục ủng hộ "giải pháp hai nhà nước".
Ngoài điều trên, giới quan sát cũng dự đoán, giá trị của ông Biden cũng sẽ được thể hiện trong việc tiếp tục quá trình bình thường hóa giữa Israel và các quốc gia Ả Rập khác.