Điện Kremlin cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể được tiến hành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3, và điều quan trọng là các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trực tiếp, sau khi các cuộc đàm phán cho đến nay được cho là thiếu tiến triển, Reuters đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí trong một cuộc điện đàm hôm 27/3 để Istanbul tổ chức cuộc đàm phán, mà Ankara hy vọng sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các cuộc đàm phán có thể bắt đầu sớm nhất là vào ngày 28/3, nhưng người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng điều đó khó xảy ra vì các nhà đàm phán sẽ chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28/3.
"Mặc dù chúng tôi không thể và sẽ không nói về tiến độ tại các cuộc đàm phán, nhưng việc chúng tiếp tục diễn ra trực tiếp là điều quan trọng", ông Peskov nói với các phóng viên trong một hội nghị trực tuyến.
"Chúng tôi đang tuân thủ chính sách không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về các cuộc đàm phán, điều mà chúng tôi cho rằng có thể chỉ làm tổn hại đến quá trình đàm phán".
Ông Peskov bổ sung, không có tiến triển lớn nào đạt được trong các cuộc đàm phán, hoặc về ý tưởng về một cuộc gặp giữa ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Rất tiếc, chúng tôi không thể thấy bất kỳ thành tựu hoặc đột phá đáng kể nào (trong các cuộc đàm phán) cho đến nay", ông Peskov nói.
Liên quan đến cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky, trong các bình luận riêng biệt hôm 28/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ khả năng diễn ra đàm phán cấp nguyên thủ quốc gia.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ phản tác dụng nếu nó được tổ chức vào thời điểm này, ông Lavrov nói, cho biết thêm rằng họ chỉ nên gặp nhau khi hai phái đoàn đàm phán đạt được tiến bộ.
"Một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky là cần thiết khi hai bên gần đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng", ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Serbia, theo Reuters.
Ông Putin “đã nói rằng ông ấy chưa bao giờ từ chối gặp Tổng thống Zelensky. Điều duy nhất mà ông ấy coi là quan trọng về cơ bản là các cuộc gặp này phải được chuẩn bị tốt”, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong các bình luận trên truyền hình với các nhà báo, sau khi ông Zelensky kêu gọi một cuộc gặp với người đồng cấp Nga để chấm dứt xung đột.
Theo ước tính của quan chức Ukraine, cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên đã khiến Ukraine thiệt hại 564,9 tỷ USD đối với cơ sở hạ tầng, mất tăng trưởng kinh tế và các yếu tố khác.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine, Yulia Svyrydenko, cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng cuộc giao tranh đã làm hư hỏng hoặc phá hủy 8.000 km (4.970 dặm) đường và 10 triệu m2 nhà ở của nước này.
Khái niệm tính trung lập cho Ukraine
Ông Zachary Paikin, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPS), cho biết Moscow và Kiev có thể có những quan điểm khác nhau về ý nghĩa của việc Ukraine trở thành một quốc gia trung lập.
“Có một câu hỏi là liệu trung lập có nghĩa là có thể gia nhập NATO hay không, so với việc có thể gia nhập EU hay không”, ông Paikin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera.
“Chủ đề chính dẫn đến cuộc xung đột vũ trang này là trạng thái của Ukraine trong NATO và việc Nga ít nhiều tỏ rõ ý kiến về cách định nghĩa tính trung lập trong các cuộc đàm phán trước đó. Nhưng tư cách thành viên EU cũng là một điểm mấu chốt”, vị chuyên gia nghiên cứu nhận định.
“Việc Ukraine gia nhập EU đặt ra một số vấn đề nhất định đối với Nga, bởi vì EU là một khối mang tính chất chính trị phương Tây hơn, nhưng về mặt danh nghĩa EU cũng có một chính sách an ninh và đối ngoại chung. Điều này rất dễ đi ngược lại khái niệm trung lập theo quan điểm của Moscow”.
Minh Đức (Theo Reuters, Al Jazeera, Times of Israel)