Ngành cao su: Động lực từ EVFTA và kỳ vọng tăng trưởng năm 2022

Ngành cao su: Động lực từ EVFTA và kỳ vọng tăng trưởng năm 2022

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 5, 06/01/2022 11:32

Bất chấp những khó khăn do Covid-19, 2021 vẫn là một năm thành công của ngành cao su và được kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa trong năm 2022.

Năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 3,3 tỷ USD 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, tháng 12/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 270 nghìn tấn, trị giá 464 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với tháng 11/2021; so với tháng 12/2020 tăng 19,4% về lượng và tăng 28,8% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.720 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 11/2021 và tăng 7,9% so với tháng 12/2020. Năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020.

Theo báo Công thương, tại thị trường nội địa, trong tháng 12/2021, tình hình khai thác, sản xuất cao su trong nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các tỉnh sản xuất chính như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương diễn biến phức tạp. Tháng 12/2021, giá mủ cao su tiểu điền được thu mua dao động quanh mức 290 - 320 đồng/độ TSC, giảm 5 - 8 đồng/độ TSC so với cuối tháng 11/2021. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước của Công ty Cao su Bình Long dao động ở mức 316 - 309 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty Cao su Phước Hòa dao động ở mức 318 - 322 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.

Kinh tế vĩ mô - Ngành cao su: Động lực từ EVFTA và kỳ vọng tăng trưởng năm 2022

Hiện, giá cao su trên thị trường thế giới đang chịu áp lực bởi các yếu tố ngoài cung cầu, chủ yếu là do yếu tố tâm lý thị trường. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng khoảng 194 nghìn tấn. Cùng với việc thế giới thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.

Nỗ lực giữ vững sản lượng 

Trong thành công của xuất khẩu cao su năm 2021, bên cạnh yếu tố giá cả, đầu ra thuận lợi, còn có một nguyên nhân rất quan trọng là toàn ngành, nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các đơn vị thành viên, đã nỗ lực giữ vững được sản lượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 căng thẳng kéo dài và thời tiết bất lợi, thiên tai ở nhiều địa bàn.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại Đông Nam bộ - khu vực trọng điểm cả về diện tích, năng suất và sản lượng của Tập đoàn, để duy trì sản xuất và tiêu thụ cao su, VRG đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nhiều giải pháp quan trọng về mọi mặt như kỹ thuật, tổ chức quản lý, “3 tại chỗ”, người lao động,... 

Nhờ những giải pháp thiết thực và kịp thời trong phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, hoặc khắc phục những bất lợi do thời tiết, thiên tai, đã có 16 công ty sản xuất cao su của VRG hoàn thành sản lượng kế hoạch năm 2021 trước 30 ngày.

Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh là Đông Nam bộ, có tới 5 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Cao su Phú Thịnh, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long.

Kinh tế vĩ mô - Ngành cao su: Động lực từ EVFTA và kỳ vọng tăng trưởng năm 2022 (Hình 2).

Khu vực miền núi phía Bắc có 3 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày gồm Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lào Cai, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II. Ở miền Trung, có 2 đơn vị hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị.

Cũng hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 30 ngày, có 4 đơn vị ở Tây Nguyên (Công ty TNHH MTV Ea H’leo, Công ty TNHH mTV Cao su Chư Prông, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang) và 2 đơn vị ở Campuchia (Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên – Kampong Thom, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie).

Do hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm, nên ước tính đến hết năm 2021, tổng sản lượng mủ cao su của 16 đơn vị nói trên sẽ vượt kế hoạch tới 14 nghìn tấn.

“Lên tiếng” tại nhiều thị trường 

Ngoài việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm 2021 còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Trong năm 2021, xuất khẩu cao su sang thị trường này vẫn ổn định. Thông tin từ Tổng cục Hải quan, cho hay, 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 1,71%% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin từ Hải quan Trung Quốc, cho thấy, thị phần của cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng đáng kể trong năm 2021.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 10,14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Ngoài việc xuất khẩu ổn định sang thị trường số 1 là Trung Quốc, xuất khẩu cao su trong năm 2021 tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quan trọng như Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ …

Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 96,4% về lượng và 153,6% về trị giá; sang Hàn Quốc tăng 57,8% về lượng và 95,2% về trị giá; sang Mỹ tăng 80,5% về lượng và 130% về trị giá; sang Đức tăng 79% về lượng và 129,7% về trị giá …

Nhìn chung, trong 10 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc chỉ tăng nhẹ về lượng, xuất khẩu sang 9 thị trường khác đều tăng rất mạnh về lượng, trong đó có những thị trường tăng tới 3 con số như Sri Lanka và Nga. Đây là minh chứng rõ rệt cho thấy cao su Việt Nam đang thâm nhập ngày càng mạnh hơn vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Động lực từ EVFTA 

EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt, đặc biệt là ngành cao su liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao...

Theo đó, với EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% - 4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.

Mặt khác, tại thị trường EU, ngành công nghiệp - sản xuất - tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Dự báo đà tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững tại thị trường này đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC.

Dù Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên. Các công ty cao su Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kinh tế vĩ mô - Ngành cao su: Động lực từ EVFTA và kỳ vọng tăng trưởng năm 2022 (Hình 3).

Để đảm bảo được chất lượng cao su, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber”. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu 3,5 tỷ USD trong năm 2022 

Nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.

Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I/2021 sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.