Sáng 19/10, phiên họp toàn thể lần thứ tư Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã diễn ra. Tại phiên họp Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về đổi mới giáo dục phổ thông.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng trưởng nhận định đây là một cuộc cải cách, thậm chí là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Chúng ta thực hiện cải cách này khi Việt Nam đã được đặt trong nhóm khoảng 50 quốc gia có giáo dục phổ thông tốt trên thế giới. Do đó, mức độ thách thức cho sự thay đổi sẽ cao hơn.
Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết cải cách giáo dục phổ thông lần này được triển khai với mức độ điều chỉnh và thay đổi rất sâu sắc.
Cụ thể, chuyển trọng tâm từ trang bị kiến thức sang định hướng phát triển năng lực; đặt tự chủ cao cho giáo viên, cơ sở giáo dục. Trong đó, trọng tâm là phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng, phát triển con người và trên nền tảng phát triển con người để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tiếp cận trên là một thay đổi rất sâu so với trước đây.
Lần đổi mới này nhấn mạnh về tính đa mục tiêu. Đặc biệt, vừa kỳ vọng giải quyết được những vấn đề về con người, về nhân lực, quản trị, về hệ thống; vừa giải quyết được những mục tiêu về nhân lực trong nước, hội nhập quốc tế và chuẩn bị nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Khác biệt trong cách thức tổ chức lần này là đặt trọng tâm ở chương trình giáo dục phổ thông; một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa - điều chưa từng có trong giai đoạn trước.
Đây chính là một bước ngành giáo dục tham dự sâu vào kinh tế thị trường với tất cả tính thử thách và phức tạp. Những vấp váp trong bước đi ban đầu là rất khó tránh khỏi nên rất mong được chia sẻ, thấu hiểu ở góc độ này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: “Những điều đó đặt cho cả hệ thống, từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên hai thách thức lớn: Thách thức về chuyên môn và thách thức về quản trị, cùng phương diện về truyền thông, giải trình xã hội”.
Nói về những thách thức theo Bộ trưởng chúng ta đang trong thời điểm rất hệ trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Trong đó có việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học theo hướng tự chủ và xã hội hóa…
Những thách thức này đặc biệt đặt ra trong năm học 2022-2023. Bởi vì, đây là năm trọng tâm, trọng điểm, then chốt trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cũng là năm ngành hiáo dục phải giải quyết nhiều vấn đề hậu dịch bệnh Covid-19. Năm học này, lộ trình tăng học phí bị gác lại, trong khi chi thường xuyên các trường đã bị cắt nên đặt thêm một thách thức lớn trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học cho các trường đại học...
Cũng tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa thông điệp với nhiều nội dung quan trọng, mong muốn các quốc gia cam kết thực hiện.
Trong đó, thiếu giáo viên đang là vấn đề mang tính toàn cầu sau dịch bệnh. Đặc biệt, ở các nước khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên càng trầm trọng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo trong giáo dục và kêu gọi các quốc gia cần phải cam kết mạnh mẽ trong bù đắp về số lượng và hỗ trợ cho lực lượng giáo viên.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị các quốc gia cam kết bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục, phục vụ tái thiết thì phải tập trung đầu tư ngân sách lớn hơn nữa cho giáo dục đào tạo.