Dù đã xảy ra mấy tháng trước, nhưng anh Nguyễn Duy Tân (28 tuổi, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), một thợ bảo dưỡng điều hòa vẫn không khỏi rụng rời tay chân khi nhắc lại.
Anh cho biết, vì nghe nhiều âm thanh kỳ lạ hàng đêm nên chủ nhà nghi ngờ điều hòa có “vấn đề”. Thậm chí, còn mạnh dạn đoán “có rắn”, tuy nhiên người này cũng không dám khẳng định chắc chắn cho tới khi thấy chiếc đuôi rắn thò ra. "Đó là một căn nhà cấp 4, nằm cạnh một bãi đất trống, cây cỏ mọc dại nhiều", anh Tân nói.
Qua kiểm tra, người thợ phát hiện có 4 con rắn màu xanh, không rõ chủng loại, đang bò lổm ngổm. Anh vội dùng kìm và các thiết bị, đứng từ xa kẹp rắn ra ngoài rồi giết chúng ngay dưới sàn nhà. "Hai loại rắn dễ chui vào điều hòa nhất là rắn lục và rắn ráo", anh nói.
Để cảnh báo khách hàng, ngay sau đó anh Tân đã đăng tải đoạn clip quay được lên mạng xã hội. Clip sau khi đăng tải đã “bùng nổ” lượt xem.
Tài khoản Kiều Trang hoảng hốt: "Nghĩ đến cảnh đi làm về nhà bật điều hòa, ngửa mặt lên nhìn thấy đàn rắn như thế này chắc chết đứng".
Một tài khoản khác đặt nghi vấn: “Rắn làm sao chui vào điều hòa được nhỉ. Thật đáng sợ...”.
Anh Phan Tuấn (43 tuổi, chủ một cửa hàng điện lạnh ở Hà Tĩnh) cho biết ngoài rắn, một số loài động vật khác có thể chui vào điều hòa như: gián, thằn lằn, chuột,… gây chập thiết bị, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người.
Rắn chui vào điều hoà bằng đường nào?
Theo các chuyên gia, khi lắp đặt điều hoà, các thợ lắp phải khoan các lỗ để lắp đặt đường ống thoát nước và dây đồng. Đây là con đường khiến rắn cũng như nhiều loại động vật có thể chui vào dễ dàng nếu chúng ta không bịt lại.
Chưa kể, sau một thời gian không sử dụng điều hoà, có thể dàn lạnh sẽ là nơi bị lũ chuột chiếm dụng làm tổ. Nó là món ăn ưa thích của rắn nên nơi nào nhiều chuột cũng sẽ dễ thu hút rắn. Chính vì vậy mà gần đây, chúng ta liên tục phát hiện các trường hợp rắn chui vào điều hoà khiến nhiều người phát hoảng.
Cách phòng tránh rắn chui vào điều hòa
Hãy kiểm tra điều hoà nhà bạn một cách thường xuyên để phát hiện xem có các dị vật hoặc động vật nào bên trong để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các chuyên gia điện máy cũng khuyên rằng: Không nên đặt dàn nóng quá gần mái tôn và ở các khu vực rậm rạp, nhiều cây xanh. Cần bịt kín các khe hở khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước.
Với những gia đình có cây cối rậm rạp, không nên lắp đặt ống thoát nước thải điều hòa sát mặt đất (nên bọc lưới kẽm ở đầu ống).
Đặc biệt nên vệ sinh khu vực xung quanh nhà cửa, cắt tỉa cây cối, rắc vôi bột hoặc các loại hoá chất khác như bột hung hoàng để đuổi rắn, chuột.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng các loại cây như: sả, hoa thiên lý, cây hoa lan tỏi hay cây nén... là những loài cây mà rắn rất sợ. Những loại cây này có khả năng đuổi rắn khá hiệu quả nhờ sở hữu mùi hương nồng đặc trưng sẽ khuếch tán trong không khí và khiến rắn tránh xa nhà của bạn.
Lưu ý: khi phát hiện rắn chui vào điều hoà, tuyệt đối không tự ý dùng tay không bắt rắn để tránh bị rắn cắn và có thể bị điện giật. Hãy gọi ngay cho thợ sửa chữa để tháo mở máy và bắt chúng bằng các đồ vật chuyên dụng.
LAM ANH (T/h theo VietNamNet, Dân Việt)