Nghệ An: Bé trai 2 tuổi bị chó tấn công khi sang hàng xóm chơi

Nghệ An: Bé trai 2 tuổi bị chó tấn công khi sang hàng xóm chơi

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Chủ nhật, 05/09/2021 20:39

Sang nhà hàng xóm chơi, bé trai 2 tuổi bị con chó tấn công. Phát hiện sự việc, người thân vội đưa cháu bé đến bệnh viện để cấp cứu.

Chó cắn gây đa tổn thương

Ngày 5/9, sau 1 ngày nhập viện phẫu thuật cấp cứu do bị chó cắn gây đa tổn thương vùng đầu - mặt, bé H.A.T., 2 tuổi, TX.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, vào lúc 11h40 ngày 4/9, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bé trai H.A.T. nhập viện trong tình trạng bị hoảng loạn, đau đớn, quấy khóc. Vùng đầu, mặt của bệnh nhi bị chảy máu nhiều, có vết thương lớn rách toạc da đầu, lộ rõ xương thái dương, kèm nhiều vết cắn sâu, rải rác vùng má và đầu.

Khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết, lúc sang nhà hàng xóm không may bị chó tấn công. Phát hiện sự việc, người thân vội đưa cháu bé đến trạm y tế để sơ cứu, rồi nhanh chóng chuyển tuyến đến bệnh viện để cấp cứu.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, chụp chiếu và hội chẩn chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Chấn thương Chỉnh hình. Bệnh nhi ngay sau đó được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để phẫu thuật cấp cứu, xử trí vết thương.

Sức khỏe - Nghệ An: Bé trai 2 tuổi bị chó tấn công khi sang hàng xóm chơi

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cứu cháu bé.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hà - khoa Răng Hàm Mặt, phẫu thuật viên chính của ca mổ, cho biết: “Cháu bé bị vết thương rách toạc hết cả mảng da đầu, lộ cả xương thái dương, xương sọ, chảy máu nhiều và có 2 vết thương lớn ở vùng má bên phải”.

Ê-kíp đã tiến hành mổ cấp cứu, cắt lọc tổ chức bị hoại tử rồi khâu tạo hình lại vết thương... Sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công.

Trước đó, ngày 4/8, bệnh viện đa khoa TP.Vinh cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 3 tuổi bị chó nhà cắn gây tổn thương nặng vùng mặt. Nạn nhân là cháu N.T.H.V., trú TP.Vinh. Cháu bé nhập viện trong trạng thái tâm lý hoảng sợ, thương tích nặng ở vùng mặt.

Người nhà cháu V. cho biết, bé rất thích động vật. Trong nhà có nuôi chó, nên khi con chó đang ăn, cháu bé đi lại gần ôm nó để chơi thì bất ngờ bị tấn công. Mẹ cháu nghe tiếng la hét của bé nên đã chạy ra và thấy mặt cháu chảy nhiều máu do bị con chó cắn nhiều nhát vào vùng mặt.

Sau khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ khoa Răng - Hàm - Mặt xử lý vết thương, truyền dịch, dùng kháng sinh, giảm đau và phẫu thuật cắt lọc tạo hình cho bé trong khoảng 3 giờ đồng hồ.

Cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế khi bị chó cắn

Bs.CKI Bàng Thị Thu Hường - khoa Răng-Hàm-Mặt, bệnh viện Đa khoa TP.Vinh cho biết, trong thời gian vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó tấn công gây thương tích nặng. Hầu hết các trường hợp bị chó nhà tấn công thường do sự chủ quan lơ là của người lớn trong gia đình.

Cũng theo các bác sĩ Hường, bản chất vết cắn từ động vật rất nguy hiểm, có thể lây truyền tạp khuẩn, virus bệnh dại, đặc biệt có khả năng gây tử vong nếu tổn thương khí đạo mạch máu lớn vùng cổ.

 

Sức khỏe - Nghệ An: Bé trai 2 tuổi bị chó tấn công khi sang hàng xóm chơi (Hình 2).

Chó tấn công khiến bé trai bị thương ở đầu và mặt.

Bác sĩ Hường tư vấn: “Nếu không may trẻ bị chó cắn, phụ huynh cần sơ cứu rửa kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút”.

Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có) nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus xâm nhập nơi vết cắn. Tuy nhiên, cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được các thầy thuốc chăm sóc vết thương, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại.

“Với những vết thương như bây giờ không bao giờ trả được hiện trạng như trước khi xảy ra tai nạn. Em bé bị chó cắn sẽ để lại ám ảnh đau đớn với các bé rất lâu dài, đó là những vết sẹo về cả tinh thần lẫn thể xác sẽ theo các bé suốt đời”, bác sĩ Hường nói.

Vì vậy, các phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Gia đình có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi bắt buộc phải tiêm phòng cho con vật đầy đủ. Ngoài ra, con vật phải được thuần dưỡng, xích, ra đường phải rọ mõm...

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.