Nghiên cứu trao đổi: Giáo dục nghề nghiệp- Lựa chọn dẫn đến thành công

Nghiên cứu trao đổi: Giáo dục nghề nghiệp- Lựa chọn dẫn đến thành công

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 3, 01/12/2020 11:38

Theo học đại học hay học nghề ngay để đi làm đang là "bài toán" mà nhiều bạn trẻ băn khoăn sau khi tốt nghiệp PTTH.

Trên thực tế, đào tạo nghề hiện nay đang là hướng mở giúp cho các bạn trẻ đến với thành công một cách dễ dàng hơn.

Quyết tâm theo học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Trung Kiên, cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin, khóa 1 trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết, sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2010, anh đã xin đi làm tại một số doanh nghiệp để vừa có thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp. Năm 2017, anh Kiên quyết định mở công ty kinh doanh thiết bị, sửa chữa, lắp đặt và bán máy tính, camera giám sát có trụ sở tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, với vai trò là Giám đốc, mỗi năm Công ty Trung Kiên đã cung cấp ra thị trường hàng trăm bộ máy tính bàn và máy tính xách tay, camera giám sát cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập từ khá cao.

“Trong bối cảnh hiện nay, có quá nhiều trường đại học tham gia đào tạo tất cả các nghành nghề, lĩnh vực đã dẫn đến cảnh "thừa thầy, thiếu thợ", nhất là thợ tay nghề cao. Do vậy, việc lựa chọn học nghề đã mở ra cánh cửa nghề nghiệp cho một số người. Để có tay nghề cao, chính bản thân người học phải xác định được mục tiêu cho mình để tích cực học tập, rèn luyện mới thực sự đáp ứng được yêu cầu của xã hội”, anh Kiên nói.

Thành công của anh Nguyễn Trung Kiên là bằng chứng sống để học sinh thấy hứng khởi khi quyết định lựa chọn học nghề để khởi nghiệp.

Em Đỗ Anh Mạnh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vĩnh Phúc cho biết, thấy những người đi trước học nghề và khởi nghiệp thành công đã giúp em có nhiều động lực để học nghề và tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Giáo dục - Nghiên cứu trao đổi: Giáo dục nghề nghiệp- Lựa chọn dẫn đến thành công

Chú thích ảnh

Dạy nghề gắn với thực hành nghề là xu hướng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay

Theo thống kê của Tổng cục GDNN, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp, 1.052 trung tâm GDNN. Mạng lưới các cơ sở GDNN rộng khắp cả nước đã tạo thuận lợi cho người học. Tuy nhiên, thực tế, số lượng người học nghề vẫn quá thấp so với nhu cầu của thị trường lao động.

Nhận định về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, các trường nghề chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học.

Đánh giá từ phía Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, chất lượng đào tạo tuy có chuyển biến tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2019. Nhiều trường nghề đào tạo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đạt thành tích cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trường nghề đông nhưng các trường và chương trình đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN nói rằng, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang chuẩn hoá về số lượng cũng như chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà giáo. Đến nay, tỷ lệ nhà giáo phù hợp với mục tiêu GDNN là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, nhà giáo dạy thực hành và tích hợp chiếm tỷ lệ 76,95% tổng số nhà giáo.

"Đây chính là điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay về tuyển dụng lao động”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát của Tổng cục GDNN cho thấy, dự kiến năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người, năm 2022 là khoảng 817 nghìn người, trong đó, nhu cầu tuyển lao động trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp.

Trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng trong bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới và thu hút làn sóng FDI. Đây là cơ hội tạo ra nhiều việc làm cho lao động kéo theo nhu cầu đào tạo nghề đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Trong khi đó, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 96,2 triệu người, trong đó 56 triệu người tham gia lao động, tạo ra nhu cầu tham gia học nghề, lập nghiệp là rất lớn.

Để thu hút người học, đáp ứng nhu cầu xã hội,  các chuyên gia lao động khuyên rằng, bản thân các trường phải đổi mới phương pháp tiếp cận trong GDNN bằng việc tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, phát triển GDNN theo hướng mở và linh hoạt. Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, coi doanh nghiệp phải là ngôi trường thứ 2 để đào tạo kiến thức, kỹ năng thực hành nghề và tiếp nhận lao động sau khi tốt nghiệp ra trường. Đặc biệt, phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ công nghệ số 4.0 phát triển nhanh chóng hiện nay.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.