Người bỏ cọc đấu giá đất, khoáng sản có thể bị cấm đấu giá đến 5 năm

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 5, 27/06/2024 15:08

Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc thu hẹp phạm vi đối tượng bị cấm tham gia đấu giá để bảo đảm phù hợp với thực tiễn xảy ra trong thời gian qua.

Bỏ cọc có thể bị phạt từ 6 tháng đến 5 năm

Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, với 463/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (với 100%), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung điều khoản về đấu giá với chứng khoán, tài sản công và biển số xe.

Cụ thể, việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Việc đấu giá đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc đấu giá đối với biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan, luật quy định rõ người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Đối thoại - Người bỏ cọc đấu giá đất, khoáng sản có thể bị cấm đấu giá đến 5 năm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, về tài sản đấu giá có ý kiến đề nghị đấu giá biển số xe phải thực hiện theo quy trình, thủ tục đấu giá tài sản của Luật Đấu giá tài sản; đề nghị bổ sung quy định đấu giá tín chỉ các - bon.

UBTVQH cho rằng, đối với đấu giá biển số xe, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 của Luật hiện hành theo hướng “việc đấu giá biển số xe được thực hiện theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của việc đấu giá biển số xe cũng như sự thống nhất với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đối với đấu giá tín chỉ các - bon, tại điểm p khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai, trong đó có tín chỉ các - bon.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khi tổng kết việc thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các - bon để có cơ sở đưa loại tài sản này ra đấu giá theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản.

Chỉ cấm người trong gia đình tham gia đấu giá cùng một tài sản

Đối với quy định về xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm rõ: "Dự thảo Luật chỉ quy định chế tài xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá vì đây là hai loại tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng…"

Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm là nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, còn việc đưa tài sản ra đấu giá theo lô hay từng tài sản độc lập là do người có tài sản đấu giá quyết định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, để tăng cường tính rõ ràng, minh bạch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về Quy chế cuộc đấu giá. 

Đối thoại - Người bỏ cọc đấu giá đất, khoáng sản có thể bị cấm đấu giá đến 5 năm (Hình 2).

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, đối với từng cuộc đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản sẽ ban hành Quy chế cuộc đấu giá trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản, trong đó phải xác định rõ việc đấu giá tài sản theo lô hay tách tài sản độc lập.

Đồng thời, phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, bảo đảm rõ ràng, minh bạch để mọi đối tượng có thể tiếp cận thông tin về cuộc đấu giá, từ đó quyết định đăng ký tham gia cuộc đấu giá hay không.

Về đăng ký tham gia đấu giá, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 4 Điều 38 về việc hạn chế cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá; cần có cơ chế để thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tế, cũng như bảo đảm quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.

UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chuyển quy định tại điểm e khoản 4 Điều 38 về các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá sang điểm d2, d3 khoản 5 Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm để có cơ sở xử lý khi phát hiện vi phạm (hậu kiểm);

Đồng thời, thu hẹp phạm vi đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo hướng chỉ cấm đối với vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn xảy ra trong thời gian qua.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.