Người đàn ông Đan Mạch mang quân chinh phạt nước Anh, xây đế chế hùng mạnh

Thứ 5, 20/06/2024 23:56

Dù là người Đan Mạch nhưng người đàn ông này đã xây dựng một đế chế hùng mạnh và được nhớ đến như một trong những vị vua vĩ đại nhất của Anh và Bắc Âu.

img

Một chiến binh Viking. Ảnh: Ancient Origins

Trong quá khứ, Anh - Đan Mạch từng có một mối liên hệ đặc biệt. Một người đàn ông Đan Mạch đã giành được ngôi vua ở cả Anh và Đan Mạch. Từ đó, người này có cơ sở xây dựng một đế chế hùng mạnh ở Biển Bắc (vùng biển ở đông bắc Đại Tây Dương).

Người đàn ông đặc biệt đó chính là Cnut Sweynsson (hay còn gọi là Cnut Đại đế). Theo Ancient Origins, Cnut là một trong những nhà cai trị quyền lực nhất ở châu Âu trong thế kỷ 11, khi kiểm soát Anh, Đan Mạch, Na Uy và một phần của Thụy Điển. Các quốc gia mà ông cai trị hợp thành một liên minh với tên gọi đế chế Biển Bắc.

Cnut được sinh ra ở một thời điểm trong khoảng năm 985 - năm 995 sau Công nguyên. Cha của ông là Sweyn Forkbeard, một chiến binh Viking, trong khi danh tính mẹ của Cnut chưa rõ ràng.

Người cha Viking nổi tiếng

img

Sweyn Forkbeard. Nguồn: HistoryMaps

Sweyn Forkbeard, cha của Cnut, là một chiến binh Viking nổi tiếng và làm vua Đan Mạch vào năm 986 sau Công nguyên, sau khi ông nội của Cnut qua đời.

Năm 1.000, Sweyn đánh bại và giết chết Olaf I Trygvesson - vua Na Uy. Vương quốc Na Uy sau đó bị phân chia dưới quyền kiểm soát của Đan Mạch và Thụy Điển (đồng minh của Đan Mạch).

Năm 1013, Sweyn cùng Cnut dẫn quân đi chinh phục nước Anh của vua Aethelred II. Khi Sweyn tiếp tục chiến dịch chinh phục ở Anh, Cnut được giao nhiệm vụ ở lại thị trấn Gainsborough (Anh). Trong năm đó, Sweyn đánh bại quân Anh của vua Aethelred II, giành quyền cai trị đất nước và thành lập đế chế Biển Bắc (Đan Mạch, Anh, Na Uy và một số vùng Thụy Điển).

Một năm sau, Sweyn qua đời. Sau cái chết của cha, Cnut được giao phụ trách binh sĩ Đan Mạch đóng quân ở thị trấn Gainsborough (Anh) và được các binh sĩ Đan Mạch ở Anh tuyên bố sẽ là tân vương của Anh (khi đó vẫn thuộc đế chế Biển Bắc của Sweyn). Tuy nhiên, giới quý tộc Anh đã không giữ lời hứa với vua Sweyn, khi quyết định khôi phục ngai vàng cho Aethelred II.

Đế chế Biển Bắc do vua Sweyn lập ra tan rã khi Anh, Đan Mạch và Na Uy nằm dưới sự cai trị của các vị vua khác nhau. Ở Đan Mạch, Harald II - con của Sweyn và là anh trai của Cnut - thừa kế ngai vàng. Ở Na Uy, Olaf II lên kế vị, trong khi Aethelred II trở lại ngai vua của nước Anh.

Sự trở lại của Aethelred II và kế hoạch phục thù của Cnut

img

Tranh vẽ về Aethelred II. Ảnh: MTA

Sau khi bị vua Sweyn đánh bại năm 1013, Aethelred II phải trốn đến sống lưu vong ở xứ Normandy (công quốc bán độc lập thuộc quyền kiểm soát danh nghĩa của Pháp) và kết hôn với Emma, con gái của người cai quản xứ này. Khi biết tin giới quý tộc Anh muốn mình trở lại ngôi vương, Aethelred II lập tức chiêu binh và quay trở lại Anh.

Hiểu được rằng lực lượng của mình không đủ sức chống lại Aethelred II và giới quý tộc Anh, Cnut cùng người của ông rời Anh về Đan Mạch. Cnut cũng mang theo các con tin mà giới quý tộc Anh gửi cho cha của ông với lời hứa sẽ hỗ trợ Cnut lên ngôi ở Anh.

Khi đoàn của Cnut chèo thuyền qua thị trấn Sandwich (Anh), Cnut đã giết toàn bộ con tin và bỏ thi thể họ trên bãi biển. Hành động này của Cnut nhằm gửi thông điệp tới người Anh rằng những kẻ thất hứa sẽ phải nhận kết cục tương tự. Cnut cũng ấp ủ kế hoạch trả thù người Anh.

Khi Cnut về tới quê hương, Đan Mạch nằm dưới sự cai trị của Harald II, anh trai Cnut. Ban đầu, Cnut đề xuất hai anh em cùng cai trị Đan Mạch nhưng Harald II không đồng ý. Sau đó, vị vua của Đan Mạch đề xuất sẽ ủng hộ Cnut tấn công Anh với điều kiện không đòi chia ngôi vương ở Đan Mạch. Cuối cùng, Cnut chấp thuận đề xuất này. Năm 1015, Cnut tập hợp đội quân lớn với khoảng 10.000 người và chuẩn bị tấn công Anh.

Đầu tiên, Cnut đổ bộ vào vùng Wessex và dễ dàng chiếm giữ nơi này. Sau đó, quân của Cnut tấn công và kiểm soát vùng Northumbria và xử tử Uhtred - người cai quản vùng này - vì đã thất hứa với vua Sweyn (cha của Cnut). Nhiều tháng sau đó, quân Đan Mạch tiếp tục chinh phục các vùng khác của Anh.

Tháng 4/1016, họ chèo thuyền chiến tiến vào sông Thames và bao vây London. Aethelred II, vua Anh khi đó, chết trong cuộc bao vây và con trai Edmund Ironside lên kế vị.

Trong trận đánh ở Assandun (được cho là làng Ashingdon, Anh ngày nay) vào tháng 10 năm đó, quân Anh bị quân Đan Mạch đánh bại. Edmund buộc phải thương lượng với Cnut và đi đến thống nhất về các khu vực kiểm soát. Cụ thể, Edmund cai trị vùng Wessex, trong khi Cnut kiểm soát phần còn lại của Anh. Khi Edmund qua đời vào tháng 1/1017, Cnut trở thành vua của Anh.

Trả thù quý tộc Anh, lấy vợ của đối thủ

img

Những quý tộc Anh thất hứa với cha của Cnut đều phải "trả giá đắt". Ảnh: Viking Herald

Để đảm bảo ngôi vương ở Anh, Cnut hành động quyết đoán và có phần tàn nhẫn. Vì đã mất niềm tin vào giới quý tộc Anh khi bị phản bội năm 1013, Cnut tịch thu toàn bộ tài sản của họ và trao cho các binh lính Đan Mạch - những người cùng ông vào sinh ra tử.

Động thái này như một phần thưởng dành cho việc họ dám xả thân để phò tá ông và cũng là lời răn đe đủ sức nặng cho các quý tộc mới về cái giá phải trả của việc phản bội ông.

Ngoài ra, Cnut cũng ra lệnh xử tử bất kỳ quý tộc Anh nào mà ông nghi ngờ về lòng trung thành. Eadwig, em trai của Edmund, là một trong số này.

Cnut cũng kết hôn với Emma, vợ của Aethelred II (người từng đối đầu với Cnut) và là con gái của người cai trị xứ Normandy, để nhận được sự ủng hộ của xứ này.

Sau khi ngôi vương ở Anh được đảm bảo, Cnut cho thấy ông là một vị vua đầy năng lực. Ông chia nước Anh thành 4 lãnh địa lớn, gồm Wessex, Mercia, Đông Anglia, và Northumbria. Hệ thống này là nền tảng chính của chính quyền Anh trong những thập kỷ tiếp theo. 

Dưới sự cai trị của Cnut, nước Anh dần phát triển về kinh tế. Trong những thập kỷ trước khi Cnut cai trị, các cuộc đột kích liên tục của người Viking và tình trạng rối loạn xã hội nội bộ đã làm tê liệt kinh tế Anh. Cnut mang lại sự ổn định nội bộ cho nước Anh và bảo vệ nước này khỏi các cuộc đột kích của người Viking. Đây là điều đơn giản vì trước đó, chính Cnut là người chỉ đạo các cuộc đột kích của người Viking vào Anh.

Giành ngôi vương ở Đan Mạch và Na Uy

Không lâu sau khi trở thành người cai trị nước Anh, Cnut cũng trở thành vua Đan Mạch vì người trị vì nước này khi đó Harald II (anh trai Cnut) qua đời năm 1018 và không có người thừa kế.

Vì không thể cùng ở Anh và Đan Mạch nên Cnut bổ nhiệm Ulf Jarl (anh rể), làm bá tước Đan Mạch với nhiệm vụ cơ bản là chăm lo cho vương quốc này.

Tin rằng đã nắm chắc ngôi vương Đan Mạch, Cnut thậm chí còn giao con trai của ông - Harthacnut (người sau này sẽ kế vị ở Đan Mạch) - cho anh rể chăm sóc. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Cnut ở Đan Mạch là động cơ khuyến khích Thụy Điển và Na Uy tấn công vương quốc này. 

Sự vắng mặt của vua Cnut cũng khiến chính người Đan Mạch bất bình. Hiểu rõ được điều này, Ulf nắm bắt cơ hội để thuyết phục người Đan Mạch ủng hộ Harthacnut (còn nhỏ) lên ngôi. Với tư cách là người hỗ trợ, Ulf là người quyền lực nhất Đan Mạch khi đó.

Khi nhận ra tình hình hỗn loạn ở quê nhà, Cnut rời Anh để giải quyết mớ hỗn độn. Năm 1026, Cnut đánh bại quân Thụy Điển và Na Uy trong trận Helgea, đồng thời kiểm soát một số vùng của Thụy Điển.

Lúc đó, Ulf vẫn ủng hộ Cnut. Tuy nhiên, vào dịp Giáng sinh, Ulf đã bị giết. Theo Ancient Origins, vào bữa tiệc tổ chức Giáng sinh năm 1027, Cnut chơi cờ cùng Ulf và cả hai xảy ra tranh cãi. Ngay hôm sau, Cnut cử người đi tìm giết Ulf. Không rõ động cơ của vụ này là vì bất đồng vụ chơi cờ hay do Cnut không thể chấp nhận việc anh rể ngấm ngầm phản bội.

Mục tiêu tiếp theo của Cnut là Na Uy. Ông bắt đầu cuộc chinh phục vương quốc này bằng cách kích động sự bất mãn của người Na Uy với nhà vua của họ. Năm 1028, Cnut đưa quân tới Na Uy. Olaf II Haraldsson, vua Na Uy lúc đó, chịu sức ép từ cả trong nước và bên ngoài. Cuối cùng, Olaf phải chấp nhận thất bại. Cnut trở thành vua của Na Uy.

img

Tượng Cnut Đại đế. Ảnh: Newstalk

Đế chế Biển Bắc của Cnut Đại đế được hình thành sau đó với sự tham gia của Anh, Đan Mạch, Na Uy và một số vùng của Thụy Điển. Đây là một đế chế mạnh mẽ và quyền lực với tầm ảnh hưởng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa thời điểm đó.

Đế chế Biển Bắc của Cnut sở hữu một hạm đội lớn và mạnh mẽ, điều này đặc biệt quan trọng trong việc duy trì kiểm soát các vùng đất ven biển và thực hiện các cuộc tấn công.

Đế chế của Cnut nằm ở vị trí chiến lược cho các tuyến đường thương mại giữa Bắc Âu và các vùng khác của châu Âu, giúp thúc đẩy kinh tế và làm giàu đế chế.

Về văn hóa, Cnut là người bảo trợ quan trọng cho nhà thờ và tôn giáo, xây dựng nhiều nhà thờ và tu viện, và thể hiện lòng trung thành với Kitô giáo, giúp ông củng cố quyền lực về mặt tinh thần. Ngoài ra, đế chế của ông có sự kết hợp giữa các nền văn hóa Anglo-Saxon và Viking. Điều đó đã tạo ra một môi trường văn hóa đa dạng.

Dẫu vậy, sau cái chết của Cnut năm 1035, đế chế Biển Bắc bị chia rẽ. Không một ai trong số các con trai của Cnut Đại đế đủ mạnh mẽ và thao lược như cha của họ để duy trì đế chế. Cuối cùng, Anh, Đan Mạch và Na Uy rơi vào tay các triều đại khác chưa đầy một thập kỷ sau sự ra đi của Cnut Đại đế.

Nguyễn Thái - Ancient Origins

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.